SCIC rút vốn khỏi Vinamilk: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

PV/Báo Người tiêu dùng| 27/10/2015 07:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giá cổ phiếu VNM đạt đỉnh mới sau khi có thông tin SCIC sẽ thoái vốn tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Trước cơ hội này, các nhà đầu tư đều cảm thấy rất hào hứng.

Nhưng đây cũng chính là một thách thức không nhỏ đối với ban lãnh đạo Vinamilk trong thời gian tới.

Cổ phiếu VNM “hot” càng thêm “hot”

SCIC rút vốn khỏi Vinamilk: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ
Một dây chuyền sản xuất của Vinamilk.

Trong đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa được tiết lộ, 45,1% vốn của SCIC tại Vinamilk sẽ được thoái hết. Thông tin này đã khiến thị trường chứng khoán có một phiên giao dịch sôi động, đặc biệt cổ phiếu VNM đã đạt đỉnh mới là 106.000 đồng/cổ phiếu sau phiên đóng cửa ngày 14/10, nâng tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty lên mức 122.414 tỷ đồng.

Thông tin tích cực này làm cho cổ phiếu VNM càng thêm nóng hơn trên thị trường chứng khoán vì nó luôn đem lại nguồn sinh lợi cho các nhà đầu tư. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu 19.216 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) 3.742 tỷ đồng. Năm 2015, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 38.424 tỷ đồng, LNST đạt 6.830 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,4% và 12,6% so với cùng kỳ 2014. Tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu 50% LNST.

Anh Lê Quốc Hưng, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho biết: “Cổ phiếu VNM như một “cô gái đẹp” rất nhiều người muốn nhưng không phải ai cũng có được. VNM cũng luôn là một cổ phiếu nằm trong top cao của thị trường. Bản thân các nhà đầu tư nhỏ thường không có sân chơi ở những cổ phiếu lớn như VNM”.

Trước thông tin SCIC sẽ rút hết vốn khỏi Vinamilk, anh Hưng cũng nhận định, cổ phiếu VNM trước giờ đã ở trong những mức đỉnh của thị trường rồi, thì với thông tin nóng này cổ phiếu sẽ tăng nhưng không ồ ạt và thời gian không dài, bởi cổ phiếu VNM còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong thời gian tới.

Ngoài ra, không ít nhà đầu tư cũng đặt vấn đề về sự tăng trưởng ổn định và cổ tức của Vinamilk luôn được chi trả ở mức cao, nếu thoái hết vốn khỏi “con gà đẻ trứng vàng” này thì tương lai của SCIC sẽ ra sao?

Trong đề án SCIC rút vốn khỏi Vinamilk, có một điều khoản mà thị trường và nhà đầu tư hết sức quan tâm bởi SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để rút vốn tại Vinamilk. Vậy một câu hỏi lớn đang được đặt ra là khi nào sẽ là thời điểm để SCIC rút vốn? Có lẽ chính điều này đang khiến cho không ít nhà đầu tư vẫn còn đang trong trạng thái thăm dò trước khi ra quyết định gom cổ phiếu VNM.

Tuy nhiên, với cái nhìn lạc quan, Vinamilk xứng đáng là doanh nghiệp niêm yết hàng đầu mang lại lợi nhuận vượt kỳ vọng cho cổ đông và nhà đầu tư trung, dài hạn. Tới đây khi “chốt lời”, nhường lại vị trí cổ đông lớn cho các nhà đầu tư, Nhà nước sẽ chọn thời điểm bán, phương thức bán “nhằm đạt được lợi ích cao nhất” như chỉ đạo của Chính phủ. Cách thức bán hợp lý sẽ là đấu giá công khai, minh bạch, một lần hoặc nhiều lần, cho mọi đối tượng tham gia. Những quỹ đầu tư ngoại chưa từng đến Việt Nam, đang quản lý hàng chục tỷ USD/quỹ, thường chỉ chú ý đến các thương vụ trị giá tỷ USD trở lên; những tập đoàn đa quốc gia muốn đặt chân vào ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng như sữa ở Việt Nam hẳn không thể bỏ qua cuộc đấu giá cổ phiếu VNM của Nhà nước.

Không ít thách thức
 

10 khoản đầu tư SCIC sẽ phải thoái vốn toàn bộ.

10 khoản đầu tư SCIC sẽ phải thoái vốn toàn bộ.

Theo nhận định mới nhất từ các công ty chứng khoán, việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp chủ chốt như Vinamilk sẽ giúp thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, giải quyết bài toán cân đối thu chi ngân sách và mang lại những triển vọng tích cực cho thị trường trong ngắn hạn.

Cụ thể, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, động thái mới này của Chính phủ có thể mở đường cho sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư khối ngoại nếu được cho phép từ quyết định sẽ nâng trần sở hữu nước ngoài vừa được ban hành. Trước đây, khối ngoại khó có cơ hội tăng sở hữu vốn tại Vinamilk vì đã hoàn toàn kín room.

Một trong những ưu điểm lớn giúp cho cổ phiếu VNM luôn ổn định là do việc công ty chi trả 40% cổ tức bằng tiền mặt và 20% cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2014. Bên cạnh đó, là một trong số doanh nghiệp sữa hàng đầu trong nước, Vinamilk luôn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ sau khi triển khai các dự án đầu tư lớn cùng việc liên tục đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa trong nước.

Trước nhiều yếu tố thuận lợi như vậy nhưng hiện Vinamilk cũng đang đứng trước không ít thách thức. Trong 12 nước tham gia TPP, có 3 nước có ảnh hưởng nhiều đến ngành chăn nuôi và thị trường sữa Việt Nam là New Zealand, Mỹ và Úc. Trong đó, New Zealand và Úc là những cường quốc về chăn nuôi. Khoảng sau năm 2018, khi sản phẩm sữa các nước New Zealand và Úc tràn vào thị trường Việt Nam với mức thuế suất bằng 0% thì chắc chắn ảnh hưởng đến toàn thị trường sữa và các doanh nghiệp sữa trong nước.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà lãnh đạo Vinamilk, Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên cũng nhận định TPP là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với ngành sữa Việt Nam nói chung và Vinamilk nói riêng. Bà Liên cho biết, Vinamilk đã có phương án dự phòng để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra khi TPP chính thức được triển khai tại 12 quốc gia thành viên.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
SCIC rút vốn khỏi Vinamilk: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ