Cuối tháng 2, Bộ Công Thương sẽ thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh của sáu doanh nghiệp là thương nhân phân phối xăng dầu.
Đây là quyết định vừa được Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải ký. Các doanh nghiệp trong diện thu hồi giấy phép lần này, gồm Công ty cổ phần Dầu khí Rồng Vàng, Công ty cổ phần Xăng dầu An Hữu Trà Vinh, Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đại Long, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Metro Oil An Giang và Công ty TNHH Thương mại xây dựng & vận tải Quảng Hà.
Bộ Công Thương đưa ra quyết định thu hồi này dựa trên cơ sở đề nghị của Vụ Thị trường trong nước, có hiệu lực từ ngày 27/2. Cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp trên nộp lại bản chính giấy phép về Bộ trước ngày 15/3.
Đây là các doanh nghiệp được cấp giấy phép đủ điều kiện làm thương nhân phân phối trong giai đoạn 2018-2020 và hiện không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Hệ thống phân phối, cung ứng xăng dầu trên cả nước hiện có khoảng 300 thương nhân phân phối. Trong kết luận thanh tra trước đó của Thanh tra Bộ Công Thương, đơn vị này từng đề nghị Vụ Thị trường trong nước rà soát, kiểm tra và thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh.
Theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95, doanh nghiệp muốn trở thành thương nhân phân phối phải đáp ứng các điều kiện như, phải có kho, bể dung tích tối thiểu 2.000 m3, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm 5 năm trở lên.
Ngoài ra, họ cũng cần tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn 5 năm, trong đó ít nhất 3 cửa hàng sở hữu; tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc các đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Phản ánh của các doanh nghiệp bán lẻ vừa qua cho thấy, một trong những điểm khiến thị trường bất ổn là do khâu trung gian - thương nhân phân phối - được đi cả "hai chân", tức vừa được bán buôn, vừa được bán lẻ. Khi thị trường biến động, các doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy từ một thương nhân nên dẫn tới tình huống bị chèn ép, thậm chí phải trả thêm khoản ngoài giá nếu muốn được nhập hàng...
Các doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị khi sửa Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu tới đây, Bộ Công Thương cần tính toán để thu hẹp loại hình kinh doanh này. Hoặc nếu vẫn tồn tại thương nhân phân phối thì không nên cho họ tham gia bán lẻ trực tiếp, nhằm đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.
Nghị định 83 và 95 đang trong quá trình sửa đổi, lấy ý kiến. Tại dự thảo lần 2 tờ trình Thủ tướng, quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu được sửa đổi theo hướng, họ mua xăng dầu từ 3 đầu mối theo hợp đồng mua bán, không được lấy từ thương nhân phân phối khác.
Thương nhân phân phối có trách nhiệm cập nhật, báo cáo thông tin, số liệu tại hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý và điều hành theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Việc này nhằm kiểm soát tốt hơn số lượng đơn vị cấp hàng cho hệ thống của thương nhân phân phối nhưng vẫn bảo đảm linh hoạt, nhất là những thương nhân có địa bàn kinh doanh rộng trên cả nước có thể lấy hàng của đơn vị cung cấp tại 3 miền đất nước.