Trận lụt lịch sử cuối năm 2017 quét qua đã khiến ven bờ sông Chu thuộc ba thôn Đại Đồng, Quảng Phúc và Hiệp Lực, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân, Thanh Hoá) bị sạt lở. Mỗi ngày, sạt lở ngày càng ăn sâu vào khu dân cư khiến hàng trăm hộ dân đang phải sống lo âu.
Theo tìm hiểu của PV, trên toàn xã có 110 hộ sống dọc bênbờ sông Chu bị ảnh hưởng bởi sạt lở trong đợt lụt năm 2017, trong đó có 24 hộ bị sạt lở đến tận chân các công trình dân sinh, 12 hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp.
Qua khảo sát cho thấy nhiều điểm sạt đã sâu vào phía khu dân cư khoảng 20m, hiện có một số điểm vẫn đang tiếp tục sạt vì triền sông ở đây là đất cát pha nên nền đất rất yếu. Sau trận lũ, các hộ này đã quay trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, do các điểm sạt lở đã ăn sát vào nhà, nên việc người dân tiếp tục ở lại nơi này đang ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm.
Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Chu sát vào nhà dân
Con đường dẫn vào thôn Quảng Phúc, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân hiện đã bị sạt nghiêm trọng. Toàn bộ phần nền đất phía bờ tả sông Chu đã trôi xuống sông, chỉ còn lớp bê tông mỏng. Đây cũng là con đường duy nhất dẫn vào thôn. Hiện tượng lở đất vẫn tiếp tục diễn ra. Đi dọc bờ sông thuộc ba thôn Đại Đồng, Quảng Phúc và Hiệp Lực, dễ dàng nhận thấy có hàng trăm hộ dân hiện đang sinh sống bên mép bờ sông. Tại đây hiện có hàng chục điểm sạt lở, có nơi nước đã ăn sâu vào 15m và dài tới 300m.
Ông Thanh lo lắng vì sạt lở đã sát móng nhà
Nhà ông Nguyễn Văn Hùng trước đây cách mép sông Chu khoảng 20m, nhưng đến nay, toàn bộ phần đất, cây cối và một số công trình phụ của gia đình ông đã bị cuốn trôi xuống sông. Trước trận lũ tháng 10 năm 2017, từ nhà ông Hùng ra đến mép sông Chu có chiều dài khoảng 20m, được ông trồng xoan và các loại cây ăn quả. Nhưng đến nay, toàn bộ phần đất, cây cối và một số công trình phụ của gia đình ông đã bị cuốn trôi xuống sông. Thậm chí, điểm sạt lở còn ăn sát vào chân móng nhà ông, và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thấp thỏm lo âu trước "miệng hà bá", ông Cao Văn Thanh nói: “Sạt lở thế này, chẳng mấy chốc mà nhà cửa, vườn tược trôi sông. Hồi trước nhà tôi còn cách vườn tới hơn 15m, nay thì bờ sông nằm ngay sát chân tường nhà. Những luỹ tre giữ làng, giữ đất của thôn Quảng Phúc bị lũ cuốn trôi đi hết. Bao nhiêu đất canh tác, trồng cây ăn quả giờ đã nằm gọn dưới lòng sông. Từ mép chân công trình nhìn xuống sông sâu hơn chục mét, nếu không được xây kè sông thì nếu có lụt chắc chắn những hộ gia đình sống ven sông như chúng tôi sẽ bị cuốn trôi xuống sông Chu hết”.
Bà Ban mất ăn, mất ngủ vì sạt lở nghiêm trọng vào nhà
Cùng chung tình cảnh như nhà ông Thanh, bà Phạm Thị Ban (67 tuổi, có nhà bị sạt lở tới tận chân móng) lo lắng: "Trước đây khoảng vườn phía sau của gia đình rộng hàng trăm mét vuông dùng để canh tác hoa màu, trồng nhiều loại cây lâu năm, nhưng trong đợt lũ năm ngoái, ruộng vườn cùng cây cối bị nước lũ cuốn trôi hết, sạt lở tới tận móng nhà. Những đêm mưa gió, tôi ngủ không yên, cứ lo bãi sông sạt thêm thì rất nguy hiểm. Gia đình có 8 nhân khẩu nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, người con trai và con dâu còn khỏe mạnh đã đi làm ăn tận Bắc Ninh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cộng với chưa có tiền mua đất ở nơi mới nên bất đắc dĩ vợ chồng tôi và 2 cháu nhỏ đang phải sống trong ngôi nhà cũ này. Bây giờ chúng tôi chỉ có nguyện vọng là muốn được tái định cư đi nơi khác, rất mong các cấp chính quyền sớm hỗ trợ tới nơi ở mới”.
Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên, Nguyễn Duy Đào cho hay: “Tình trạng sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng tới đời sống nhân dân là có thật. Đoạn sông Chu chảy qua địa phương không có bờ kè, có hàng trăm nhà dân ở san sát ven sông từ nhiều đời nay. Phần diện tích đất bị sạt xuống sông phần lớn là đất thổ cư hoặc đất vườn của các hộ. Trước đây đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nhưng mức độ không đáng kể. Mãi tới mùa mưa lũ tháng 10/2017 thì mức độ sạt lở nghiêm trọng hơn, nhiều điểm sạt lở làm hư hại nhà dân, kéo theo các công trình dân sinh và đất đai xuống sông. Để khắc phục, chính quyền địa phương phải triển khai lực lượng giúp 24 hộ dân ven sông trong khu vực sạt lở nguy hiểm di dời tạm đến những gia đình họ hàng hoặc những hộ khác trên địa bàn xã nhằm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, sau khi nước sông rút thì các hộ đã trở về nhà mình. Tình trạng hiện tại là rất nguy hiểm, nó có thể ảnh hưởng về tài sản, thiệt hại về người bất cứ khi nào. Qũy đất và kinh phí để hỗ trợ các hộ tái định cư là quá sức với chính quyền xã".
Để người dân sớm ổn định đời sống, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cần có cơ chế, chính sách khẩn cấp di dời các hộ bị ảnh hưởng ra nơi ở mới. Bố trí quỹ đất tái định cư, đất sản xuất, kêu gọi xã hội hóa để chung tay ủng hộ người dân “an cư lạc nghiệp” bởi các hộ bị ảnh hưởng đều là hộ khó khăn hoặc là dân chài lưới.