Cùng cha, cùng mẹ nhưng khi lớn lên giữa Hiền và anh Nhân thường xảy ra mâu thuẫn. Vì muốn chứng tỏ mình là anh cả có quyền thế đối với các em trong gia đình, có lần Hiền đã sử dụng rựa rượt đuổi anh Nhân nhưng không thành công.
Mỗi lần uống rượu vào là Hiền lại sang nhà em trai gây sự. Mâu thuẫn giữa hai anh em cứ nối dài theo thời gian và kết thúc là người chết, kẻ chôn chặt cuộc đời trong trại giam.
Vụ án kinh hoàng
Khoảng 10h ngày 17/1/2014, Nguyễn Văn Hiền (SN 1966, ngụ tại ấp Bình Lợi, xã Hào Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) không đi làm, thấy buồn buồn nên gọi ba người bạn đến nhà mình uống rượu. Cả nhóm nâng ly một cách vui vẻ, không có bất kỳ hiềm khích gì. Ly cạn lại đầy, cứ thế, từ câu chuyện này bắt sang câu chuyện khác. Buổi tiệc rượu kéo dài từ sáng đến 17h chiều và hết 3 lít rượu. Sương sương, ba người bạn từ biệt ra về, còn Hiền quá say nên mệt mỏi ngủ ngay giữa nhà.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiền tại phiên tòa sơ thẩm
Lúc này, Hiền nhớ lại, cách đó mấy ngày, em ruột là Nguyễn Văn Nhân có nói về việc bán cây sung của cha mẹ để lấy tiền. Tức giận, Hiền đi bộ sang nhà em trai chửi bới. Anh Nhân nhẹ nhàng: “Chuyện chẳng có gì, nếu anh không muốn bán thì không bán, anh em, ai lại chửi nhau như thế”. Hiền quát: “Cây sung của cha mẹ mà mày cũng định bán. Tao là anh, nếu bán thì tao phải là người quyết định trước chứ không phải là mày”. Ngay sau đó, Hiền lại tiếp tục chửi mắng.
Nhịn nhục một lúc, Nhân không còn chịu nổi nên lên tiếng phản bác. Khi nghe Hiền bảo: “Mày mà còn hỗn láo là tao giết mày chết”. Anh Nhân không chịu thua: “Anh làm như dễ giết em ấy nhỉ?”. Hiền bực mình: “Mày tưởng tao không dám giết mày à?”. Anh Nhân lớn giọng: “Tất nhiên là không rồi”. Lời của anh Nhân vừa dứt, Hiền bỏ về không nói một lời. Anh Nhân cứ ngỡ mọi chuyện chừng này là dừng lại nên vào trong nhà ngồi nghỉ. Chưa đầy 5 phút sau, Hiền quay trở lại, trên tay cầm một con dao, không nói một lời, xông thẳng vào nhà, dùng hết sức lực đâm vào ngực của em trai. Anh Nhân hét lớn: “Cứu, anh Hiền đâm chết tôi rồi”. Nghe tiếng hét thất thanh, người thân vội vàng chạy đến, thấy trên người anh Nhân chảy đầy máu nên đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương trúng tim, mất quá nhiều máu, anh Nhân đã trút hơi thở cuối cùng.
Riêng Hiền, sau khi ra tay, thấy máu trên người em trai chảy ra quá nhiều nên rất hoảng sợ. Vả lại, Hiền thấy người thân đến nên chạy về nhà giấu con dao rồi đến nhà anh Hà Văn Hải nhờ chở ra đường lớn đón xe ô tô về TP.HCM. Anh Hải không hề biết bạn mới gây ra trọng án nên chở đến khu vực xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu thì bỏ lại để Hiền đón xe.
Ngay sau khi nhận được tin báo, công an vội vàng làm việc với Hải và biết Hiền đang đứng ở đường lớn tại xã Cẩm Giang đón xe về TP.HCM. Gần 10 đồng chí công an được điều động để đến bắt giữ Hiền.
Vào cuối tháng 7/2014, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Hiền về tội “Giết người”. Đứng trước vành móng ngựa, Hiền thừa nhận hành vi đã gây ra. Gã cho rằng, vì say rượu nên mới ra tay với em trai như vậy, mà tòa sơ thẩm tuyên phạt mức án chung thân là có phần nặng. Hiền mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiền cho rằng, viện Kiểm sát truy tố tội “Giết người” là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, nguyên nhân xảy ra vụ án do bị cáo có uống rượu nên đã bộc phát gây án. Bị cáo không có chuẩn bị trước hung khí, không có mục đích giết người. Bị cáo cũng chưa có tiền án, tiền sự. Mẹ của bị hại cũng là mẹ của bị cáo xin giảm án hình phạt. Trong khi đó, bị cáo ăn năn, hối cải, khai báo thành khẩn. “Tôi nghĩ, mức án chung thân là quá nặng đối với bị cáo”, luật sư cho biết.
Hối hận muộn màng
Giờ nghị án, Hiền cúi gằm mặt nhìn xuống đôi tay đang bị còng mà ứa nước mắt. Gã buồn cho tương lai của chính mình, buồn cho số phận của em trai và buồn cho những người thân… Giọng yếu ớt, gã cho hay: “Tôi biết mình sai. Dù tôi có nhận mức án nào đi nữa thì em trai cũng không thể sống lại. Tuy nhiên, tôi xin giảm án với hy vọng có cơ hội được trở về sớm, làm lại cuộc đời, thắp cho em trai nén nhang để tạ tội và làm lụng nuôi mẹ già”.
Hiền cho biết, mình là con trai lớn trong nhà và anh Nhân là em kế. Mặc dù chỉ cách nhau hai tuổi nhưng ngay từ nhỏ Hiền luôn muốn tỏ ra mình là anh. Đồng thời, tuổi hai anh em không hợp nên thường “đấu khẩu”. Mặc dù vậy, trong thâm tâm, Hiền rất yêu thương em trai của mình. “Có gì đi nữa thì cùng là anh em ruột làm sao không thương yêu nhau được”, gã chia sẻ.
Hiền còn nhớ rất rõ, ngay từ nhỏ, bất kể đi đâu, làm gì, Nhân cũng gọi anh trai. Có cái gì đẹp, cái gì ngon là Hiền lại chia cho em trai. Hiền luôn mong muốn, tất cả anh em trong nhà hòa thuận, vui vẻ với nhau. “Gia đình tôi nghèo nên anh em càng phải gắn kết với nhau hơn. Cả tôi và Nhân đều học đến lớp 12 thì nghỉ. Anh em tôi cũng mong được học hành đến nơi, đến chốn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, sức học có hạn nên đành ở nhà sau khi tốt nghiệp phổ thông. Sau này, cả hai anh em đều mưu sinh bằng việc đồng áng”, gã nói.
Lớn lên, Nhân cưới vợ, sinh con. Riêng Hiền, đến tuổi trưởng thành cũng có vài ba mối tình. Tuy nhiên, những đổ vỡ của tình yêu khiến gã cảm thấy sợ hãi, chán nản. Do đó, về sau, gã không còn ý định kết hôn. Mẹ và các em luôn động viên, mai mối nhưng đều bất lực. Do đó, khi bước ra tòa, gã đã gần 50 tuổi nhưng vẫn chưa có mái ấm nhỏ của riêng mình.
Hiền thừa nhận, thấy em trai có vợ con đề huề, hạnh phúc đôi lúc cũng cảm thấy ghen tị. Không chỉ thế, Hiền sợ mình thua thiệt em trai nên luôn muốn chứng tỏ mình là người anh có quyền thế trong gia đình. Bất kể có chuyện gì, gã luôn muốn các em phải nghe theo lời mình. Trong gia đình, anh Nhân là người thẳng tính, bất kể anh trai nói gì sai đều phản bác lại. Vì điều này, khoảng cách giữa Hiền và Nhân theo thời gian cứ cách xa dần.
Cũng vì mâu thuẫn gia đình, cách đây khá lâu, vì giận, có lần, Hiền vác rựa chém anh Nhân nhưng do anh Nhân nhanh chân nên không chém được. Cứ mỗi lần uống rượu vào, Hiền lại kiếm cớ sang gây chuyện với em trai. Vào năm 2011, trong lúc ngà ngà say, Hiền vừa sang chửi mắng, lại vừa đập phá đồ đạc trong nhà của em trai. Quá nhiều lần nhịn nhục, thấy anh trai càng ngày càng làm quá nên anh Nhân đành báo với công an. Nhận được thông tin, Công an huyện Châu Thành đến làm việc, xử phạt hành chính đối với Hiền và gã hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Tuy nhiên, anh Nhân chỉ sống yên bình được vài ba tháng thì mọi chuyện lại xảy ra như cũ.
Khi được hỏi về nguyên nhân vụ án, Hiền buồn rầu cho hay, trước khi cha qua đời có để lại một cây sung khá đẹp. Trước khi vụ án xảy ra vài tháng, anh Nhân cùng các em bàn bạc bán cây sung này để lấy tiền chia nhau. Hiền không đồng tình vì cho rằng, cây sung là vật kỷ niệm của cha để lại nên phải giữ. Không chỉ thế, trong gia đình, mình là anh cả nên các em phải nghe lời của mình. Tuy nhiên, các em bỏ mặc lời nói của gã vẫn giữ nguyên ý kiến bán cây sung. Bên cạnh đó, có lần, anh Nhân còn bán mì non của Hiền.
Hiền khẳng định, trong thâm tâm, từ trước đến nay chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện sát hại em trai. Gã cho rằng, hôm ấy, mình quá say, hai anh em lại xảy ra mâu thuẫn nên không làm chủ được hành động. Tuy nhiên, khi được hỏi: “Nếu vậy thì tại sao khi gây án xong lại giấu con dao rồi có ý định bỏ về TP.HCM?”. Hiền không nói gì.
Cần có mức hình phạt tương xứng Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với em trai mà Hiền dùng dao làm hung khí nguy hiểm đâm chết em ruột của mình. Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng người khác, được pháp luật bảo vệ và còn ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội nên cần có mức hình phạt tương xứng. Trong phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được tình tiết nào mới nên chủ tọa bác đơn kháng cáo, tuyên y án chung thân về tội “Giết người”. |