Sao lại “khóc thuê” cho sự luộm thuộm?

Ngân Thương| 14/05/2016 08:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phải chăng chúng ta đã quen sống trong sự nhếch nhác, xộc xệch nên khi bỗng dưng xuất hiện sự gọn gàng, ngay ngắn thì quay ra phản ứng?

Mấy hôm nay, dư luận khá ồn ào, tranh luận sôi nổi về việc xuất hiện những tấm biển quảng cáo kiểu “đồng phục” trên tuyến đường văn minh đô thị kiểu mẫu được Hà Nội chọn thí điểm. Đó là dự án tuyến đường mở rộng Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đoạn từ đường Tôn Thất Tùng đến sông Lừ.

Trước khi đi vào vấn đề đang được bàn tán sôi nổi với vô số ý kiến khen chê khác nhau chúng ta hãy thử coi lại hiện trạng các biển quảng cáo trên các tuyến phố Hà Nội nói riêng và các đô thị trên cả nước nói chung như thế nào. Không cần nhìn quá lâu, không cần nói quá nhiều, chỉ có thể tóm gọn trong hai từ: luộm thuộm.

Bất kỳ một cái gì nếu không nằm trong quy định, quy hoạch ở Việt Nam thì đều có điểm chung là mạnh ai người ấy làm. Biển quảng cáo là thứ biểu hiện rõ ràng nhất của điều này. Nếu bà bán bún có cái biển treo cao 2 mét thì cái biển của ông bán phở phải treo ở vị trí 2 mét 2. Người ta không chấp nhận sự kém cạnh trong bất kỳ tình huống nào miễn là biển quảng cáo nhà mình phải sáng nhất, rõ nhất, thậm chí là “dị” nhất.

Bao nhiêu thập kỷ nay, chúng ta quen sống chung với những con phố nhếch nhác ở đô thị, đặc biệt là đô thị lớn như Hà Nội. Nơi mà những biển quảng cáo chen nhau đến ngộp thở. Cái cao, cái thấp; cái thò cái thụt; cái bé cái lớn. Lâu dần thành quen rồi xem nó như một thứ “đặc sản” khó bỏ. Thứ “đặc sản” như vừa ăn vừa nghe chửi mà vẫn cúi đầu xì xụp húp, nhăn nhở cười ở Hà Nội.

Sao lại “khóc thuê” cho sự luộm thuộm?

Nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quang biển quảng cáo kiểu mẫu

Tôi đọc khá nhiều bài viết phản biện về những tấm biển quảng cáo ở Lê Trọng Tấn. Phần lớn là những thông tin chê bai, chế giễu. Các kiến trúc sư thì bảo xấu xí, đơn điệu, còn luật sư thì nói vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến còn cho rằng, những tấm biển ngay ngắn ấy gây bức xúc, làm khó người dân. Có ý kiến lại “lo xa” nói, nếu quy định làm biển quảng cáo như thế thì thợ thiết kế thất nghiệp hết.

Phải thừa nhận rằng, quy định biển quảng cáo chỉ hai màu xanh đỏ là một quy định máy móc, không cần thiết, chưa nói đến việc bảo vệ, nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính quyền quận Thanh Xuân cũng đã nhận ra điều này và hứa nghiên cứu để triển khai thực hiện hợp lý. Ngoài một số chi tiết bất cập đó thì chúng ta không thể phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền Hà Nội trong việc chỉnh trang bộ mặt của thành phố. Đã thoáng thấy có sự ngăn nắp, chỉn chu trên một tuyến phố "sạch sẽ".

Đến hôm nay, tôi vẫn chưa hiểu sao người dân và truyền thông lại phản ứng dữ dội với những tấm biển quảng cáo đó. Phải chăng, chúng ta quen sống với sự luộm thuộm, nhếch nhác nên thấy khó chịu với sự nghiêm ngắn đến bất quá bất ngờ?

Thay vì truyền thông đang “khóc thuê” cho sự xuống cấp, xập xệ ấy thì hãy đưa ra những giải pháp cho sự ngăn nắp, gọn gàng của một Thủ đô văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sao lại “khóc thuê” cho sự luộm thuộm?