Sản xuất thuốc giả dành cho trẻ em vì hám lời

Đoàn Nga| 02/05/2016 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong quá trình buôn dược phẩm, thấy thuốc điều trị và dự phòng tai biến mạch máu não, thuốc bổ sung kẽm cho trẻ em của công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 sản xuất, bán chạy, hàng lại khan, Văn và Hiệp bàn nhau tự sản xuất để bán kiếm lời.

Sau khi xem xét, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Anh Văn, 34 tuổi (ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư LV France) 36 tháng tù và Bùi Văn Hiệp, 31 tuổi (ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) 30 tháng tù giam. Riêng Nguyễn Thị Phương Thanh, 25 tuổi (ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) do mức độ phạm tội hạn chế và đang trong thời kỳ thai sản nên chỉ bị áp dụng 18 tháng tù, cho hưởng án treo.

Theo cáo trạng truy tố, trưa ngày 8/11/2014, Bùi Văn Hiệp đang vận chuyển 150 hộp thuốc điều trị và dự phòng tai biến mạch máu não và 80 hộp thuốc bổ sung kẽm cho trẻ em giả đi giao cho khách hàng thì bị Cảnh sát bắt giữ. Hiệp khai mua số thuốc này của Nguyễn Anh Văn với giá từ 46.000 đồng đến 66.000 đồng/hộp.

Từ lời khai của Hiệp, Cảnh sát đã tiến hành bắt giữ Văn và khám xét nơi ở của Văn thu được nhiều vỏ thuốc giả. Sau đó, chị gái của Văn đã tự giao nộp một máy ép nhiệt dùng hàn miệng túi, nhãn hiệu Tân Thanh. Kiểm tra 4 quầy thuốc ở chợ thuốc Hapulico, quận Thanh Xuân, Cảnh sát thu giữ 59 hộp thuốc hai loại trên.

Theo điều tra, Văn và Hiệp quen nhau từ năm 2008, thường xuyên trao đổi, buôn bán dược phẩm với nhau. Khoảng tháng 6/2014, do biết thuốc điều trị và dự phòng tai biến mạch máu não nhãn hiệu Lumbrotine, thuốc bổ sung kẽm cho trẻ em nhãn hiệu Zinc Kid của công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 sản xuất, bán chạy, hàng lại khan hiếm, cả hai bàn bạc tự sản xuất để bán kiếm lời. Văn liên hệ mua cốm kẽm, vỏ hộp giấy, tờ hướng dẫn sử dụng, tem có chữ của công ty sản xuất.

Sản xuất thuốc giả dành cho trẻ em vì hám lời

Hai bị cáo Văn và Hiệp tại phiên xét xử

Sau đó, Văn thuê Nguyễn Thị Phương Thanh và một người nữa đóng gói hai loại thuốc trên. Thời gian đầu, Văn cho đóng gói thuốc giả tại nhà trọ của Văn. Đến cuối tháng 10/2014, Văn chuyển máy móc này từ quận Hà Đông về huyện Thanh Trì. Quá trình làm giả thuốc hoàn thiện, Văn đã giao cho Hiệp bán 3.000 hộp Zinc –Kid, 700 hộp Lumbrotine, thu lời từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/hộp.

Khi nghe tin Hiệp bị bắt, Văn chỉ đạo Thanh tẩu tán toàn bộ số tang vật tại phòng trọ, vứt tại bãi rác. Toàn bộ số hạt cốm kẽm chưa sử dụng, Thanh cho vào bồn cầu xả nước.

Tại phiên tòa, HĐXX làm rõ những ngày mới tham gia sản xuất thuốc chữa bệnh giả, Thanh không biết hành vi phạm pháp của Văn. Thế nhưng trước ngày vụ án bị phát hiện, bị cáo này đã biết rõ Văn sản xuất thuốc chữa bệnh giả nhưng vẫn giúp sức tích cực. Đối với bị cáo Hiệp, trong quá trình xét xử Hiệp chỉ thừa nhận hành vi mua thuốc giả của Văn đem bán kiếm lời.

Tuy nhiên, kết quả điều tra đã chứng minh, Hiệp đã bàn bạc sản xuất thuốc giả với Văn ngay từ đầu. Hiệp còn là người trực tiếp đứng ra thuê các địa điểm để Văn tổ chức làm giả thuốc. Trên cơ sở này, HĐXX khẳng định có đủ cơ sở xác định bị cáo Văn và Hiệp phạm vào tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, còn bị cáo Thanh phạm vào tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh”, đúng như nội dung cáo trạng truy tố.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất thuốc giả dành cho trẻ em vì hám lời