Sản xuất hàng giả, xử lý thế nào?

Tổ PVĐT| 28/12/2014 10:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt lô hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực dây cáp điện. Theo đó, hơn 2.600m dây diện mà Công ty Điện Tường Phát làm giả nhãn hiệu HWASAN của Công ty Tân Nghệ Nam đang vận chuyển, tiêu thụ thì bị bắt.

Điều này gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Theo xác minh, tìm hiểu của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Tân Nghệ Nam thì hàng giả nhãn hiệu HWASAN đã xuất hiện trên thị trường cách đây hơn một năm. Sau nhiều lần điều tra, theo dõi đơn vị sản xuất, cuối cùng lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với doanh nghiệp bắt gọn lô hàng trên.

Ngang nhiên làm giả

Như chúng tôi đã thông tin, tại Công ty TNHH TM DV Điện Tường Phát (Công ty Điện Tường Phát) tại số 102 Gia Phú, phường 1, quận 6, TP. Hồ Chí Minh ngang nhiên bày bán một lượng lớn hàng giả nhãn hiệu HWASAN mà Công ty Tân Nghệ Nam đã đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ. Lực lượng Cảnh sát điều tra (PC46) Công an TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ tại Công ty Điện Tường Phát lô hàng (2.600m) dây cáp điện giả, nhái nhãn hiệu HWASAN của Công ty Tân Nghệ Nam.

Làm việc với cơ quan chức năng, Giám đốc Công ty Điện Tường Phát đã không cung cấp được nguồn gốc, xuất xứ lô hàng, hóa đơn chứng từ… và phải ký vào biên bản xác nhận đó là hàng giả, nhái thương hiệu HWASAN. Công ty Điện Tường Phát đã lộ nguyên hình một gian thương tiếp tay cho nạn hàng giả, hàng nhái lũng đoạn thị trường dây, cáp điện Việt Nam. Hiện cơ quan Công an quận 6 đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Sản xuất hàng giả, xử lý thế nào?

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Công ty Tân Nghệ Nam

 Ai cũng biết, người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp bị thiệt hại từ việc mua và sử dụng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (thường gọi là hàng nhái). Trước hết, người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế do mua phải hàng giả, hàng nhái. Nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng hàng giả, hàng nhái vì đó là những hàng hóa không đảm bảo chất lượng, đặc biệt đó là dây điện, bởi nó là nguy cơ đe dọa trực tiếp đối với tính mạng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính như Công ty Tân Nghệ Nam là đối tượng chịu thiệt hại nhất về kinh tế do tệ nạn hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Hàng giả, hàng nhái của Công ty Điện Tường Phát làm giảm uy tín các thương hiệu chính phẩm của người sản xuất kinh doanh chân chính là Công ty Tân Nghệ Nam. Hành vi này làm lu mờ hình ảnh của nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế do uy tín thương hiệu bị giảm sút, mất thị phần, giảm sút lợi nhuận mà còn khiến cho Công ty Tân Nghệ Nam dẫn tới bờ vực phá sản.

Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là sản phẩm của những kẻ làm ăn phi pháp và làm giàu bất chính. Cũng như một số nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái ở nước ta hiện nay đang trở thành “vấn nạn” cần phải tích cực đấu tranh ngăn chặn bài trừ. Nhà nước ta luôn quan tâm tăng cường công tác chống hàng giả, hàng nhái để tạo lập, duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài để đầu tư phát triển.

Chế tài xử lý rất khắt khe

Cũng vì lý do làm giàu bất chính mà không mất nhiều công sức, tiền bạc để đầu tư nghiên cứu nên mặc dù luật có những chế tài rất khắt khe nhằm xử lý hành vi này nhưng nhiều cá nhân, đơn vị vẫn cố tình vi phạm pháp luật như Công ty Điện Tường Phát. Đặc biệt, cũng nguy hiểm như làm giả thực phẩm thì hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực dây và cáp điện còn gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng.

Trao đổi với PV về quy định của pháp luật xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, Luật sư Trần Ngọc Quý, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Hành vi làm giả dây cáp điện của Công ty điện Tường Phát đã có dấu hiệu vi phạm khoản 1, Điều 156 Bộ luật Hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất hàng giả, xử lý thế nào?