Sự bất hạnh đến chỉ là tích tắc của phút “cả giận mất khôn”. Chỉ mong rằng qua câu chuyện buồn này, bị cáo mong các bạn trẻ hãy biết quý trọng những gì chúng ta đang có, đừng nông nổi dại dột một giây để rồi ăn năn đến suốt cuộc đời”.
Tâm sự của bị cáo Trần Hải Nam (30 tuổi) trong giờ Tòa nghị án để lại nhiều bài học đắt giá về ứng xử, kỹ năng giải quyết những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày…
Quay trở lại trước ngày ra Tòa cách đây hơn một năm, Trần Hải Nam từng là người chồng trụ cột của một gia đình. Trong mắt mọi người, Nam và chị Hồ Thị Tuyết Trinh là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Họ có một cô con gái 3 tuổi dễ thương, tổ ấm của vợ chồng trẻ dù chỉ là một căn phòng trọ nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Nam làm công nhân trong khu công nghiệp nên thu nhập cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình. Kinh tế sa sút khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, trong đó có công ty Nam khiến anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Đây là giai đoạn thử thách lớn trong hôn nhân, nếu không khéo xử trí thì gia đình rất dễ lục đục vì từ người chồng trụ cột, Nam trở thành kẻ “ăn không ngồi rồi”. Những thay đổi bất ngờ trên khiến tâm lý Nam trở nên bất thường, hay cáu gắt, to tiếng với vợ con khiến cuộc sống vợ chồng trở nên ngột ngạt.
Ở nhà trông con, nấu cơm được một thời gian, Nam càng ngày tự ti, trong khi đó chị Trinh mất thời gian hơn cho công việc để kiếm tiền dẫn đến ít thời gian chăm sóc gia đình. Thay vì cảm thông, Nam lại nảy sinh tâm lý ghen ghét, đố kỵ với sự thành đạt của vợ. Nam trở nên chán nản, xấu hổ và dễ tự ái khi vợ sẵng giọng. Bất cứ chuyện gì, kể cả việc nhỏ nhặt cũng có thể trở thành ngòi nổ, khiến cả hai giận dỗi. Nam thay tính đổi nết, bắt đầu ghen tuông và lén kiểm tra các tin nhắn trong điện thoại của vợ. Khi vợ xóa hết các tin nhắn trước khi về nhà, Nam lại nổi khùng, cho rằng vợ “phi tang” việc ngoại tình, cuộc hôn nhân của hai người dần đi vào ngõ cụt.
Chán nản và bi quan, Nam ngập chìm trong men rượu. Trong một cuộc nhậu, Nam gọi điện cho vợ nhiều lần nhưng chị Trinh bận việc nên không nghe máy. Chỉ có vậy nhưng Nam nổi cơn tam bành, cho rằng vợ khinh thường mình. Trở về nhà trong cơn say, Nam lè nhè hỏi Trinh: “Tôi điện thoại sao cô không nghe máy?”, Trinh cũng bực bội: “Không nghe rồi sao?”. Trong một giây không kiềm chế được cơn giận, Nam chạy vào nhà bếp lấy dao hạ sát vợ. Gây án xong, Nam sợ hãi bỏ chạy nhưng bị bắt ngay sau đó.
Vụ án giết người do Nam thực hiện vừa được Tòa án mở phiên tòa lưu động xét xử công khai để tuyên truyền pháp luật. Nhiều người đến dự phiên Tòa là bạn bè của cả bị cáo và người bị hại, ai cũng thấy xót xa trước bi kịch do Nam gây ra. Đặc biệt là hoàn cảnh đáng thương của con gái Nam, mẹ mất, cha vào tù nên cháu được bà ngoại già yếu chăm sóc. Nam khai rõ toàn bộ hành vi phạm tội và thú nhận bị khủng hoảng tinh thần sau khi thất nghiệp. “Bị cáo thấy bản thân mất hết giá trị, sợ bị vợ coi thường, từ đó dẫn đến hành xử sai lầm, ghen tuông mù quáng. Giá như bị cáo biết bình tĩnh, kiềm chế thì đã không đẩy gia đình xuống vực thẳm. Nay ra đối diện với pháp luật, bị cáo thấy hối hận vô cùng…”.
Nam chia sẻ bài học từ bản thân: “Bị cáo là người bị thất nghiệp nên hiểu rằng khi không may rơi vào hoàn cảnh đó, vợ chồng cần có sự trao đổi với nhau để lập kế hoạch cho cuộc sống gia đình. Đừng có thái độ coi thường bạn đời không làm ra tiền. Nếu không có sự cảm thông, chia sẻ với nhau thì dễ dẫn đến bi kịch mà vụ án của bị cáo là một bài học cay đắng”. Hành vi phạm tội của Nam phải trả giá bằng mức án tù chung thân về tội “Giết người”. Nam bật khóc khi nghe mẹ vợ Nam già yếu nhắn nhủ: “Hãy cố gắng cải tạo tốt để được khoan hồng, về chăm sóc cho con gái…”.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
An Dương