Salbutamol - chất cấm trong chăn nuôi vẫn đang được lén lút sử dụng và người tiêu dùng Việt vẫn đang sống trong nỗi lo lắng về việc tự đầu độc lẫn nhau.
Ám ảnh Salbutamol
Hiện vẫn còn 6 tấn Salbutamol trôi nổi trên thị trường, trong số này chỉ có khoảng 10kg Salbutamol được sử dụng đúng mục đích, thông tin tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra hồi đầu tháng 3 vừa qua vẫn đang khiến không ít người thấy lo ngại.
Salbutamol là chất siêu tạo nạc trong thời gian ngắn, giá nhập khẩu của chất này khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng/kg nhưng được bán ra trên thị trường với giá 15 triệu đồng/kg. Theo tính toán, khi sử dụng chất này, mỗi con lợn cho lãi từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc đã cấm sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi bởi tác hại nghiêm trọng của nó đối với sức khỏe con người, thậm chí ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Theo các chuyên gia, nếu ăn thịt tồn dư Salbutamol trong thời gian dài, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, suy yếu hệ thống miễn dịch.
Thịt lợn có chứa chất Salbutamol ám ảnh người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Chính vì mức độ nguy hại của Salbutamol mà các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt để kiểm tra giám sát. Tuy nhiên, con số 6 tấn Salbutamol đang trôi nổi trên thị trường khiến người ta không khỏi giật mình. Sẽ không ai dám đảm bảo rằng số lượng Salbutamol đó không được sử dụng trong chăn nuôi, bất chấp những tác hại khôn lường đến sức khỏe mọi người.
Cũng tại cuộc họp này, Thanh tra Bộ NN-PTNT cũng cho biết sau 4 tháng triển khai đợt cao điểm xử lý tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi đã có 13 doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng chất salbutamol để phối trộn vào thức ăn gia súc. 6 tấn thức ăn chăn nuôi có chứa salbutamol cao hơn ngưỡng cho phép 63 lần của Vông ty Thiên Nam (Bắc Ninh) đã bị kiểm tra bắt giữ. Tại Điện Biên, 1 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi có 30 gói bột màu trắng (loại 1 kg), qua kiểm định phát hiện là salbutamol có hàm lượng cao. Tại Hưng Yên, Hưng Yên 2 doanh nghiệp và một đại lý thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu nghi ngờ sử dụng chất cấm...
Có thể thấy từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu cũng có hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bất chấp việc vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết “Theo quy định tại Điều 190, 191, 195 và 317 Bộ luật Hình sự, việc kinh doanh, sử dụng chất cấm có thể bị bỏ tù từ 1-5 năm, thậm chí từ 5 - 10 năm. Các Sở NN&PTNT cần thống kê lại trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lợn thịt… để gọi lên phổ biến, có biện pháp răn đe”.
Salbutamol chỉ là một trong rất nhiều chất cấm mà vì lợi nhuận, người ta bất chấp tất cả để đầu độc người tiêu dùng. Cá ướp u rê, gà ăn chất “vàng ô”, rau tưới nhớt thải... tất cả như một bóng ma ám ảnh cuộc sống của người tiêu dùng Việt.
Chiêu đối phó của người nội trợ
Trước ma trận bủa vây, các bà nội trợ Việt đã mách nhau nhiều cách để đảm bảo an toàn trong khả năng có thể cho mình và người thân.
Chị Nguyễn Thị Oanh ở Ngân hàng Nông nghiệp cho biết: “Nội ngoại mình ở Thái Bình nên cứ hàng tuần, hai vợ chồng lại tranh thủ về quê. Rau vườn nhà, cá trong ao. Còn thịt thì nhờ cậu em nuôi, rồi lại mổ chia nhau, mang về tủ lạnh ăn dần. Như thế vừa tiện thăm nhà, vừa có thể có được nguồn thực phẩm đảm bảo cho gia đình. Cũng biết là thịt cấp đông thì không thích bằng thịt tươi nhưng bây giờ an toàn là trên hết”.
Lo sợ rau "bẩn", người tiêu dùng tận dụng thùng xốp để trồng rau
Chị Thủy, giáo viên một trường mần non còn cẩn thận hơn. “Giờ đến gạo tôi cũng nhờ mẹ mình ở quê. Cứ đến mùa, mẹ tôi mua hơn tấn tóc để trong nhà sau mấy tháng mới ăn. Mẹ tôi bảo như thế cho bay bớt thuốc sâu, ăn cho an toàn nên nhà tôi toàn ăn gạo mùa cũ. Còn thực phẩm thì bà gửi lên hàng tuần. Có thể chủng lại không phong phú như ngoài chợ nhưng yên tâm”.
Nếu không thể có được nguồn cung từ quê, nhiều gia đình tận dụng những khoảng sân nhỏ để trồng rau trong thùng xốp. Thịt thì vẫn phải mua ở chợ nên cố gắng chọn quầy thịt nào có đóng dấu thú ý để mua, hoặc vào siêu thị mua của những thương hiệu uy tín.
Tất nhiên không phải ai cũng có điều kiện để phòng tránh thực phẩm “bẩn”. Vì thế, thịt chứa chất cấm, tôm cá có dư lượng kháng sinh, rau không an toàn... tất cả vẫn hiện diện trên mâm cơm mỗi nhà. Tuy nhiên thông tin từ ngày 1/7 tới đây, việc các đơn vị, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt tù lên đến 10 năm thay vì chỉ phạt tiền như trước đây, đang mang lại cho người tiêu dùng hy vọng chế tài xử phạt nghiêm khắc sẽ làm bớt đi những thực phẩm nguy hại trên thị trường.