Sau 3 nngày xét xử và nghị án kéo dài, ngày 10/7, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên án với nguyên Chủ tịch xã Xuân Đỉnh cùng đồng phạm vi phạm quy định về đất đai.
Theo nhận định HĐXX, các bị cáo nguyên là lãnh đạo UBND xã Xuân Đỉnh với vai trò được giao đã không làm hết trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại tài sản của nhà nước.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm giữ vai trò chính, chịu trách nhiệm chính và phải chịu mức phạt cao nhất. Trong khi đó, 2 thuộc cấp dưới Khiêm là Nguyễn Thị Gấm (nguyên Tổ trưởng Hợp tác xã) và Nguyễn Thị Xuân Hương (nguyên cán bộ địa chính xã Xuân Đỉnh) được xác định giữ vai trò thứ cấp.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Cả 3 bị cáo này phải chịu trách nhiệm với số tiền bị thiệt hại hơn 26 tỷ đồng do sai phạm trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư không đúng đối tượng được hưởng, đồng thời bị quy kết tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Vị chủ tọa nhấn mạnh: “Vụ án xảy ra trong quá trình thực hiện dự án Tây Hà Nội, các đối tượng phạm tội là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ được giao, có đầy đủ về nhận thức, năng lực, hành vi, có chức vụ, nhưng vẫn gây hậu quả nghiêm trọng”.
Với 5 bị cáo còn lại, gồm: Nguyễn Minh Công, nguyên cán bộ Phòng TN-MT huyện Từ Liêm; Lục Văn Cường, nguyên Phó trưởng phòng Phòng giải phóng mặt bằng - Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố; Nguyễn Tuấn Anh, nguyên cán bộ Phòng giải phóng mặt bằng - Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố; Hoàng Minh Đức, nguyên cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm và Vũ Qúy Dương, nguyên Phó trưởng phòng Phòng TN-MT huyện Từ Liêm, HĐXX nhận định, mặc dù không tư lợi, nhưng các bị cáo đã thiếu trách nhiệm, không làm hết nhiệm vụ của mình, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Từ những nhận định và phân tích nêu trên, HĐXX đã quyết định tuyên phạt nhóm bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Nguyễn Hữu Khiêm (SN 1967, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh) 8 năm tù; Nguyễn Thị Xuân Hương (SN 1979, cựu cán bộ địa chính xã) 6 năm tù và Nguyễn Thị Gấm (SN 1962, cựu chủ nhiệm hợp tác xã) 7 năm tù.
Tuyên phạt 5 bị cáo bị còn lại phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Nguyễn Minh Công (SN 1959, nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm) và Lục Văn Cường (SN 1963, nguyên Phó trưởng phòng giải phóng mặt bằng - Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố) cùng lĩnh án 36 tháng tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Tuấn Anh (SN 1978, cựu cán bộ phòng giải phóng mặt bằng - Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố) lĩnh án 24 tháng tù treo và hai bị cáo Hoàng Minh Đức (SN 1980, cựu cán bộ ban bồi thường giải phóng mặt bằng huỵen Từ Liêm) và Vũ Qúy Dương (SN 1967, cựu Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm) cùng lĩnh án 30 tháng tù, cho hưởng án treo.
Theo hồ sơ vụ án, Dự án Tây Hà Nội được cấp phép cho tổ hợp gồm 5 công ty xây dựng Hàn Quốc (thành lập Công ty TNHH Phát triển THT, 100% vốn nước ngoài đầu tư phát triển khu đô thị trên diện tích 207,66 ha), và sau khi được cấp giấy phép, Công ty THT ký hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội để bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Năm 2007, UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi 1.173.030 m2 đất tại xã Cổ Nhuế và Xuân Đỉnh (nay là phường Xuân Tảo và phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Khi đó, UBND huyện Gia Lâm ra quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng theo dự toán là 337,1 tỷ đồng. Nguồn tiền này do Công ty THT ứng trước và sau này được đối trừ vào tiền thuê đất.
Trong quá trình giải phóng mặt bằng, Thanh tra TP Hà Nội phát hiện tổ công tác xã Xuân Đỉnh và UBND xã Xuân Đỉnh không thực hiện đúng quy trình dẫn đến sai phạm về kê khai hiện trạng, xác nhận, thẩm định nguồn gốc đất gây thất thoát cho nhà nước số tiền 26,9 tỷ đồng. Năm 2015, Thanh tra đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xử lý.
Theo kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 6-11/2010, có 29 hộ dân có diện tích đất thừa (theo tiêu chuẩn mỗi khẩu được 525 m2). Tổ công tác giải thích số diện tích đất thừa nếu kê khai sẽ không được bồi thường và phải trả lại hoặc điều chuyển cho hộ thiếu đất. Các hộ này đã tự điều chuyển cho 29 hộ thiếu đất, tổng diện tích là 5.344 m2 và có đơn xin điều chuyển đất nông nghiệp để được nhận tiền đền bù.
Thời kỳ đó, ông Nguyễn Hữu Khiêm là Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh biết việc làm của các hộ dân là trái luật nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới, ký, đóng dấu xác nhận. Tin tưởng vào giấy xác nhận nguồn gốc đất, các thành viên trong tổ công tác ký vào biên bản điều tra xác minh để hoàn thiện hồ sơ. Trên thực tế, không có việc xác minh hiện trạng đất, không đối chiếu hồ sơ quản lý đất đai.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm đã thẩm định nhưng cũng không đến thực địa để điều tra. Dựa vào tờ trình cấp dưới, ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho 29 hộ gia đình nhận số tiền 20,9 tỷ đồng.
Căn cứ vào quyết định trên, Trung tâm phát triển quỹ đất đã chi trả tiền mặt cho các hộ dân số tiền trên. Sau khi cơ quan điều tra xác minh, năm 2013, UBND huyện Từ Liêm mới ra các quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường với 4 hộ dân số tiền là 576 triệu đồng. Đến nay còn 20,4 tỷ đồng chưa thu hồi được.
Quá trình điều tra, các bị cáo khai lý do không đi thực địa vì năm 2008, trên địa bàn xã Xuân Đỉnh có trận lũ lớn làm mất hết bờ vùng, bờ thừa nên khó xác định. Ông Khiêm chỉ đạo căn cứ vào bản kê khai và hồ sơ quản lý đất để xác nhận.
Bên cạnh đó, hồ sơ vụ án cũng thể hiện, từ tháng 6-11/2010, có 11 hộ gia đình kê khai 4.929 m2 đất mương, đường giao thông là đất nông nghiệp để nhận bồi thường 5,9 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, 29 hộ nhận đất và 11 hộ gia đình kê đất nhận tiền đền bù sai quy định nhưng chưa đến mức xử lý bằng hình sự. Do thời hiệu xử phạt hành chính đã hết nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.