Sai phạm trong đấu thầu và những hệ lụy

Đ. Việt| 01/11/2021 16:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin – truyền thông... mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội...

Gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Nhà nước

Đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu về kĩ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất nhằm tiết kiệm chi phí tối đa cho Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu gây thất thoát tài sản lớn.

Đáng chú ý nhất là các sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...

Mới đây, ngày 21/10, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Kết quả điều tra xác định một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ công ty trên đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

tuan-bach-mai-2-16179603180551992292923-crop-1634794147413564216575.jpg
Ông Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố  về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
 

Trong đó, ông Nguyễn Quang Tuấn ký một số văn bản có liên quan. Theo Bộ Công an, sai phạm của các bị can làm tăng chi phí, gây thiệt hại hơn 40 tỉ đồng cho tài sản Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Trước đó, cuối tháng 4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt đối với các bị can : Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội); Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng phòng Tài chính-Kế toán); Lê Xuân Tuấn (nhân viên Phòng Tài chính-Kế toán); Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST); Nguyễn Trần Duy (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành); Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển khoa học Vitech); Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị y tế Phương Đông) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" .

Theo cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, với động cơ vụ lợi, từ đầu tháng 2/2020, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội đã câu kết với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh thuộc các công ty tư nhân kinh doanh vật tư y tế để thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 cho CDC Hà Nội trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường; câu kết với bị cáo Nguyễn Trần Duy, Tổng Giám đốc, Thẩm định viên về giá, Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định gói thầu số 15 theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu.

Sau đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm chỉ đạo và giao cho các nhân viên dưới quyền thuộc CDC Hà Nội hợp thức hóa toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để công ty MST trúng thầu theo đúng giá thỏa thuận từ trước, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

TAND thành phố Hà Nội xét xử vụ án đã quyết định tuyên phạt cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm mức án 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại phiên phúc thẩm vào tháng 6/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án đối với bị cáo.

Và những hệ lụy khó lường

Liên quan đến các sai phạm trong hoạt động đấu thầu xảy ra gần đây, trao đổi với báo chí Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đánh giá, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực. Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

bo-cong-an.jpg
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an

Theo tướng Tô Ân Xô, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Người phát ngôn Bộ Công an cho rằng, nếu để việc phân biệt, đối xử “bất bình đẳng” trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.

“Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, làm mất cán bộ, đảng viên, trong đó có rất nhiều cán bộ có chuyên môn giỏi, nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực do có trách nhiệm liên quan đến hành vi sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu”, tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình điều tra các vụ việc sai phạm liên quan đến đầu thầu, tướng Tô Ân Xô bày tỏ, đa số các vụ án, vụ việc có liên quan đến số cán bộ giữ chức vụ, đứng đầu cơ quan, tổ chức (Chủ tịch Hội đồng đấu thầu). Những cá nhân này bản thân rất am hiểu về chính sách quản lý kinh tế - xã hội, có kinh nghiệm đối phó, né tránh, tẩu tán tài sản trục lợi được. Có điều kiện dùng cơ chế hành chính, mệnh lệnh cấp trên để chỉ đạo, ràng buộc cán bộ, công chức, người lao động phụ thuộc thực hiện các hành vi giúp sức, che giấu sai phạm, chỉnh sửa, hợp thức hóa hồ sơ tài liệu, tiêu hủy chứng cứ. Ngoài ra, các đối tượng có mối quan hệ xã hội rộng với nhiều cấp, nhiều ngành, ngay từ giai đoạn tiếp cận, thu thập hồ sơ, tài liệu cơ quan điều tra đã gặp sự can thiệp, tác động từ nhiều phía.

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, điển hình như: khâu thẩm định, trong đó có thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn nhiều bất cập; hình thức “Chỉ định thầu” đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa…

Nhận thức rõ điều này , các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Đồng thời, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm.

“Để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả, việc mua sắm thiết bị y tế hợp lý, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước thì việc tổ chức đấu thầu phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu nêu trên thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả đấu thầu, không đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch.

Bởi vậy, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, làm mất niềm tin của người dân đối với cán bộ, làm suy thoái đạo đức cán bộ và bất bình đẳng trong xã hội. Đối với các máy móc thiết bị y tế thì việc Nhà nước bỏ ra số tiền lớn nhưng lại mua phải máy móc kém chất lượng không những gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, làm giảm sút uy tín của Đảng, của nhân dân đối với công tác cán bộ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh, gây bức xúc trong dư luận”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp chia sẻ.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai phạm trong đấu thầu và những hệ lụy