Sách giáo khoa Ngữ văn mới chống học văn theo bài mẫu

Ngô Chuyên| 22/02/2022 21:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 7, lớp 10 bộ Cánh Diều tổ chức nội dung theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các năng lực cần đạt, đặc biệt sẽ khắc phục hiện tượng học sinh học văn theo bài mẫu.

Khắc phục hiện tượng học sinh học văn theo bài mẫu

Sau hai năm đưa vào sử dụng trong các trường phổ thông, SGK Cánh Diều đã trở thành người bạn đồng hành, được nhiều giáo viên, nhà trường tin tưởng lựa chọn.

Tiếp nối thành công đó, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM và Công ty CP đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam tiếp tục biên soạn và cho ra mắt bộ SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 với đầy đủ các môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hiện bộ sách đã được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt là một trong những bộ sách được đưa vào sử dụng trong nhà trường từ năm học tới.

Chia sẻ về những điểm ưu việt của sách Ngữ văn lớp 7, lớp 10 so với SGK hiện hành tại tọa đàm "Giới thiệu SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều" do báo Lao Động tổ chức, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ Văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều cho biết, điểm mới nhất của SGK Ngữ văn là thay đổi cách tiếp cận.

"Trước đây, sách cũ chạy theo nội dung, dạy rất nhiều văn bản và thể loại khác nhau nhưng sắp xếp theo lịch sử văn học, từ văn học dân gian, đến trung đại rồi đến hiện đại. Tuy nhiên, sách mới tổ chức nội dung theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các năng lực cần đạt được.

Cụ thể ở môn Ngữ văn, học sinh đọc văn bản phải hiểu, viết được đoạn văn rõ ràng sáng sủa, diễn đạt trung thành suy nghĩ của mình, diễn đạt từ đúng đến hay và nói lưu loát, tự tin. Đặc biệt, phải bám sát hoạt động giao tiếp vì đó là văn hóa phổ thông, không phải đào tạo ra người phê bình văn học hay nhà văn. Đổi mới phải gắn với tính thiết thực đó, chính là phải bám sát cuộc sống" - PGS Thống nói.

271670385_502088487998909_8932731543039397770_n.jpg

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ Văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều. Ảnh: Hải Nguyễn

Tại tọa đàm, Chủ biên SGK Ngữ văn lớp 7, lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều cũng khẳng định, tác giả ủng hộ chủ trương của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc chấm dứt dạy Ngữ Văn theo văn mẫu.

"SGK Ngữ văn mới khắc phục hiện tượng học sinh học văn theo bài mẫu. Theo đó, tác giả viết sách quán triệt không cung cấp văn mẫu, chỉ cung cấp ví dụ. Đặc biệt là thay đổi cách đánh giá thi cử - ví dụ học một bài nhưng lúc thi phải có văn bản, ngữ liệu mới. Như vậy mới đo được suy nghĩ của các em, đánh giá được năng lực học tập của các em" - PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.

Sách mới giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy

Tại tọa đàm "Giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều", cô Phan Hồng Hạnh - Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, SGK mới có nhiều ưu điểm như kênh hình, kênh chữ đẹp, phong phú để học sinh hứng thú. Bên cạnh đó, sách mới cũng giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy.

"Ví dụ với môn Ngữ Văn 10 bộ Cánh Diều, trong từng đoạn văn bản bao giờ cũng có hướng dẫn phương pháp đọc, học sinh được giáo viên hướng dẫn thêm nên tự tin trong bài học hơn rất nhiều.

Sau khi học xong, các con cũng được hướng dẫn tự học, các em có thể đào sâu, khắc sâu kiến thức, chủ động tiếp cận kiến thức và phát huy năng lực học của các em bằng kiểm tra đánh giá. Ngoài ra, đổi mới kiểm tra đánh giá cũng rất quan trọng, không còn học theo văn mẫu.

Ví dụ, học sinh học một văn bản nhưng sẽ kiểm tra văn bản khác. Từ kiến thức trong SGK sẽ chuyển qua đánh giá năng lực của học sinh, từ kết quả đánh giá năng lực sẽ quay ngược trở lại để hiểu rõ bộ SGK đó chất lượng ở mức độ nào và cần phải đổi mới hay sửa đổi trong quá trình tiếp theo" - cô Hạnh chia sẻ.

271818049_332293028835936_5872646777189039023_n.jpg

Cô Phan Hồng Hạnh - Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Hải Nguyễn.

Trên lộ trình đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, mong muốn lớn nhất của cô Hạnh là sớm được tiếp cận với các bộ SGK, giảng dạy theo tinh thần dạy thật, học thật, thi thật; đặc biệt là SGK có tính ổn định.

"Những điều đó giúp chúng tôi yên tâm dạy học, từ đó có phản hồi, đóng góp cho các tác giả, nhà biên soạn, xuất bản để những năm tiếp theo có thêm những bộ sách phù hợp hơn nữa" - cô Hạnh mong mỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sách giáo khoa Ngữ văn mới chống học văn theo bài mẫu