An ninh trật tự

Rủi ro tiềm ẩn từ hợp đồng ‘Sở hữu kỳ nghỉ du lịch’

Việt An 06/07/2023 08:49

Bộ Công an vừa có khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động 'Sở hữu kỳ nghỉ du lịch', và chỉ ra một số rủi ro pháp lý đối với khách hàng khi tham gia mô hình này.

Nhiều chiêu thức mời chào để trục lợi

Theo thông tin từ Bộ Công an, hoạt động mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” (Timeshare) đã xuất hiện từ lâu và phổ biến trên thế giới. Thời gian gần đây, mô hình này được triển khai tương đối phổ biến tại Việt Nam, trong quá trình hoạt động, một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… của người dân để lừa đảo, trục lợi.

vinh-thien-duong-1-16885542642252029313863.jpg
Người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động sở hữu kỳ nghỉ du lịch. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 07 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.

Mô hình này được triển khai tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: Chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường; các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí; khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.

Thời điểm hiện tại đang là cao điểm mùa du lịch hè, nhu cầu nghỉ dưỡng, nghỉ mát của người dân tăng cao, một số doanh nghiệp, chủ đầu tư, tư vấn viên bán sản phẩm dịch vụ chủ động gọi điện thoại thông báo chương trình “tri ân khách hàng”, với những lời mời chào hấp dẫn, đưa ra chính sách khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn, tặng voucher ưu đãi… để lôi kéo người dân tham gia.

Ngay khi tư vấn thành công, họ đưa hợp đồng cho khách hàng ký trong khoảng thời gian nhanh chóng. Trong khi hợp đồng với số lượng lớn trang giấy A4 nên nhiều người không đọc kỹ hoặc không hiểu rõ, ký các điều khoản không rõ ràng, trong hợp đồng “cài” nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng… gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ nạn nhân khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

Thời gian qua, cơ quan Công an nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí; khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền…

Tiềm ẩn rủi ro với khách hàng

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”.

Nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.

Người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Theo Bộ Công an, khi tham gia mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, khách hàng sẽ đối mặt với một số rủi ro. Bởi hầu hết hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng dài hạn (có thể kéo dài hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.

Ngoài ra, tại thời điểm ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể các căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng mới chỉ nằm trên dự án, chưa được xây dựng. Bên bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có thể không sở hữu bất kỳ khu dự án hoặc khách sạn nào; chỉ là đơn vị trung gian hợp tác với chủ sở hữu dự án/khách sạn để bán dịch vụ cho khách hàng. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại trong quá trình sử dụng dịch vụ, bên bán khó đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng.

Đối với khách hàng đầu tư vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ để bán lại hưởng lợi nhuận, việc chuyển nhượng thành công kỳ nghỉ cho người khác phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, cũng như các điều khoản liên quan đến chuyển nhượng được ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rủi ro tiềm ẩn từ hợp đồng ‘Sở hữu kỳ nghỉ du lịch’