Tư vấn pháp luật

Rơi thang máy ở chung cư, ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Việt An (ghi) 02/04/2023 08:24

Khi xảy ra sự cố rơi thang máy ở chung cư, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm.

Hỏi: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết thời gian qua đã xảy ra không ít các vụ việc rơi thang máy tại chung cư. Tuy nhiên, khi các nạn nhân đến tìm Ban quản trị chung cư yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm thì Ban quản trị lại đẩy trách nhiệm cho đơn vị lắp đặt, bảo trì. Xin hỏi, pháp luật hiện hành quy định thế nào về việc này? Khi xảy ra sự cố rơi thang máy ở chung cư, ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?

roi-thang-may-chung-cu.jpg
Một vụ việc rơi tháng máy chung cư ở quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến nhiều người hoảng loạn. Ảnh minh họa

Trả lời: Về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) tư vấn như sau:

Thứ nhất, về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Như vậy, để phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì chủ thể phải là người có lỗi, là người thực hiện các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp mà gây ra thiệt hại thì phải tiến hành bồi thường. Do đó, trong sự cố xảy ra thang máy, phải xác định lỗi của chủ thể khi thực hiện các hành vi mà gây ra thiệt hại thì mới có thể xác định chính xác được chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố rơi thang máy:

Việc bồi thường thiệt hại khi có sự cố rơi thang máy chung cư được quy định tại Điều 605 BLDS 2015. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.

“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.

Từ quy định trên, các chủ thể sau có thể phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sự cố rơi thang máy:

  • Chủ sở hữu (chủ đầu tư) công trình:

Chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thang máy thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư (thường là khi chung cư không thuộc diện bắt buộc phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư hoặc có Ban quản trị nhưng thành lập tự phát, không theo quy định của pháp luật).

  •  Ban quản trị nhà chung cư:

Theo Điều 103. Ban quản trị nhà chung cư của Luật Nhà ở, với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức và hoạt động theo mô hình Hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình Ban chủ nhiệm của hợp tác xã, có tư cách pháp nhân, có con dấu và thực hiện các quyền, trách nhiệm theo quy định.

Theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD, Ban quản trị nhà chung cư có kinh phí hoạt động do chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp hàng năm trên cơ sở quyết định của hội nghị nhà chung cư; kinh phí này được ghi rõ trong quy chế hoạt động của Ban quản trị và được quản lý thông qua một tài khoản hoạt động của Ban quản trị... (khoản 6 Điều 17).

Như vậy, Ban quản trị là một pháp nhân, với tư cách là người được giao quản lý công trình xây dựng đồng thời được giao quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, bảo dưỡng mà chủ đầu tư và cư dân đã đóng góp mà để công trình xây dựng hư hỏng, gây thiệt hại cho người khác thì ban quản trị phải bồi thường.

  • Đơn vị thi công, bảo dưỡng công trình xây dựng:

Theo điểm đ khoản 1 Điều 104. Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư của Luật Nhà ở, Ban quản trị nhà chung cư có quyền ký kết hợp đồng với đơn vị có năng lực bảo trì nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và giám sát hoạt động bảo trì. Việc bảo trì phần sở hữu chung có thể do đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư hoặc đơn vị khác có năng lực bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện. Trường hợp này, nếu đơn vị bảo trì có lỗi trong việc thang máy hư hỏng thì đơn vị bảo trì phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.

Ngoài ra cần chú ý trường hợp sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại làm hư hỏng thì theo khoản 4 Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại BLDS 2015, người bị thiệt hại sẽ không nhận được bồi thường về phần do mình gây ra.

Tóm lại, để xác định ai phải chịu trách nhiệm khi có sự cố rơi thang máy chung cư thì tùy vào đối tượng gây thiệt hại để xác định người có trách nhiệm phải bồi thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rơi thang máy ở chung cư, ai chịu trách nhiệm bồi thường?