Các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ đã thiết kế một con robot đặc biệt để “dạy” trẻ em cách viết chữ. Qua đó, giúp nâng cao kỹ năng viết tay của trẻ.
Với tên gọi NAO CoWriter, sản phẩm được phát triển bởi các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (EPFL), robot mang thiết kế nhựa gần gũi, thân thiện với con người.
Về tính năng, chú robot có khả năng nhận ra các từ và cố gắng viết nó ra. Chữ đó sẽ được hiện trên màn hình một máy tính bảng. Đứa trẻ sau đó xác định và sửa chữa các lỗi của robot bằng cách viết lại các từ hoặc chữ cái cụ thể.
Chú robot NAO CoWriter
Theo một số kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy, khi trẻ em gặp khó khăn trong vấn đề viết chữ, chúng có thể sẽ mất niềm tin vào bản thân, sau cùng là lảng tránh việc học. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến suốt quá trình giáo dục của trẻ.
Tuy nhiên, một giải pháp như CoWriter, có thể giúp chúng lấy lại sự tự tin và động lực. Các nhà khoa học cho biết: Robot của họ được xây dựng để đóng vai trò như những học sinh dở nhất lớp. Khi ấy, những đứa bé tự cho mình là kém cỏi bỗng nhận thấy có người thậm chí còn dở hơn chúng.
Theo Lemaignan - một trong những tác giả của công trình nghiên cứu giải thích: “Lúc này, những đứa trẻ lúc bất đắc dĩ trở thành giáo viên, với khuynh hướng giúp đỡ robot. Bọn trẻ sẽ cố gắng bảo vệ chú robot này và giúp nó tiến bộ hơn. Nếu những con robot vẫn không cải thiện chữ viết của mình, đứa trẻ sẽ cảm thấy có trách nhiệm cho điều đó. Chỉ dựa vào hiệu ứng này, chúng tôi thực sự có thể làm cho robot và trẻ em tương tác với nhau hiệu quả”.
Với chú robot này, sẽ giúp các em tạo động lực học tập cũng như nâng cao sự tự tin.
Chú robot sẽ giúp các em tạo động lực học tập cũng như nâng cao sự tự tin
CoWriter hiện vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Các chuyên gia muốn xác minh các thuật toán mà họ đưa ra có đáp ứng nhu cầu của trẻ em và có được kết quả mong muốn hay không. Để thực hiện điều đó, robot được sử dụng trong các bài học ở trường tiểu học, với sự tham gia của 70 học sinh, từ 6 - 8 tuổi.
Các nhà khoa học cũng đang có kế hoạch tiến hành thêm những nghiên cứu khác, với hy vọng chứng minh hiệu quả của dự án. Họ hy vọng công trình của mình sẽ là cơ sở cho việc sử dụng robot mang tính sáng tạo, nhằm giải quyết các thách thức vốn đang phổ biến trong giáo dục.