Tại Nhật Bản, Richard Sorge đã tạo ra ấn tượng của một tay chơi, gần như là một kẻ lười biếng vô tích sự. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với những phẩm chất của một điệp viên khôn ngoan và nguy hiểm.
Richard Sorge không hề phải đóng kịch như một tên phát xít cuồng tín. Ông thường chỉ trích những hành động thái quá của phát xít Đức và sự ngu ngốc của một số lãnh đạo trong Đảng này. Thật nực cười, chính điều này lại càng khiến người ta tin tưởng ông nhiều hơn. Bởi, khi ông dám nói thẳng ra những suy nghĩ của mình thì lại càng làm cho mọi người nghĩ rằng, ông là một học giả và là một người theo chủ nghĩa phát xít.
Ngoài ra, lớp vỏ bọc của Sorge còn được củng cố thêm bởi thói nghiện rượu và khả năng quyến rũ đàn bà - được xem là biệt tài của ông.
Tháng10/1934, Đại tá Ott mời Sorge đi tháp tùng ông ta trong một chuyến đi Mãn Châu. Sau chuyến đi, Sorge viết một báo cáo cho Ott chuyển về bộ chỉ huy tối cao ở Berlin và nhận được sự khen ngợi của các cấp chỉ huy.
Sorge trở thành cố vấn được tin cậy nhất của Ott về mảng chính trị ở Nhật Bản và được bà Helma Ott, vợ đại tá chào đón ngay trong căn nhà của mình. Việc gì đến cũng đến với chàng điệp viên có ma lực quyến rũ này: Sorge được “chào đón” cả trên giường của bà đại tá.
Ông Ott biết vợ ngoại tình với cố vấn của mình, nhưng vì không muốn mất một chuyên gia về Nhật Bản khó có ai sánh kịp nên Ott đành phải im lặng.
Với lớp vỏ bọc đó, ai cũng nghĩ rằng, Sorge là một tay chơi có hạng mà không ai có thể biết ông đang mang trong mình một nhiệm vụ lớn. Đó là, thu thập thông tin về sự hợp tác giữa hai nước đồng minh lúc đó là Đức và Nhật.
Trong quá trình làm nhiệm vụ tại Nhật, Sorge đã gặp lại Hotsumi Ozaki, một nhà báo cánh tả người Nhật đã từng cộng tác với Sorge.
Ozaki sinh ra trong một gia đình giàu có và có nhiều quan hệ tại Nhật. Có thể coi ông là mắt xích quan trọng nhất trong đường dây gián điệp của Sorge. Một trong những người bạn của Ozaki là thư ký nội vụ cho Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ và Ozaki được người này nhận vào làm chuyên gia cố vấn đối ngoại cho chính phủ.
Tại văn phòng chính phủ Nhật, Ozaki được tiếp cận với nhiều tài liệu mật quan trọng và có tiếng nói trong những chính sách của chính phủ Nhật. Ozaki bí mật sao chép lại tài liệu mật đưa cho Sorge.
Cùng lúc đó, Sorge cũng được nhận vào làm tại Đại sứ quán Đức tại Nhật như một chuyên viên cố vấn. Với những thông tin nhận được từ Ozaki, cộng với những gì thu thập được tại Đại sứ quán Đức, Sorge đã đưa ra được rất nhiều tin tức quan trọng gửi về cho Moscow.
Nhờ những thông tin của Ozaki về chính sách của Chính phủ Nhật, Sorge cũng gây ấn tượng mạnh đối với giới chính khách ngoại giao Đức tại Nhật. Không một ai nghi ngờ Sorge, ông thậm chí còn rất được trọng dụng.
Trong mạng lưới gián điệp do Moscow cử đến Tokyo, ngoài Sorge còn có hai người khác. Đó là Branko Vukelic - người Nam Tư, làm việc cho một hãng thông tấn của Pháp – chịu trách nhiệm xử lý những bức ảnh chụp dưới dạng vi phim cho Sorge và Max Clausen, người Đức, phụ trách liên lạc vô tuyến của nhóm.
Clausen gửi các báo cáo đã được mã hóa dưới dạng các con số. Phương pháp này hơi cồng kềnh nhưng thực chất là một hệ thống khóa mã mà hầu như người ta không thể phá được. Giới chức trách Nhật Bản phát hiện ra tín hiệu vô tuyến lạ được phát đi nhưng họ không thể định vị được nguồn phát, và cũng không thể giải mã được các bức điện này.
Hotsumi Ozaki
Tất cả thành viên trong mạng lưới gián điệp đều có vai trò quan trọng như nhau. Sorge, cùng với sự giúp sức của Hotsumi Ozaki đã cung cấp cho Moscow những thông tin quan trọng.
Mùa xuân năm 1936, với bao công sức xây dựng cơ sở của Sorge ở Tokyo trong 3 năm bắt đầu được đền đáp. Từ những cuộc hội đàm bí mật giữa Đức và Nhật Bản ở Berlin, tùy viên quân sự Đức ở Tôkyô Eugen Ott nắm được thông tin về Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản.
Sứ quán Đức ở Tokyo được lệnh giữ kín chuyện này, nhưng Ott vẫn chia sẻ với Đại sứ Dirksen và Sorge. Kết quả là GRU đã kịp thời nắm được toàn bộ thông tin này.
Năm 1938, đại tá Ott, lúc này đã được thăng quân hàm thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Đại sứ Đức tại Nhật Bản. Điều này càng góp phần nâng cao chỗ đứng của Sorge trong sứ quán Đức.
Ott cho anh xem tất cả các bức điện, kể cả các báo cáo của ông ta và đề nghị anh cho ý kiến trước khi chuyển chúng về Berlin. Ott thường nói với Sorge: “Chúng tôi phát hiện thấy điều này, anh đã nghe đến chưa và anh đánh giá ra sao?”.
Chỉ thế thôi cũng thấy được mối quan hệ giữa Ott và Sorge gần gũi đến mức nào, tất cả các báo cáo thông thường gửi từ phòng tuỳ viên về Berlin chỉ là phần rất nhỏ trong số những báo cáo do chính tay Sorge viết và được đại sứ ký tên.