Nhiều năm nay, tại xã Tân Ninh (Triệu Sơn, Thanh Hóa) hàng chục đối tượng đã, đang xây dựng các kho tập kết bentonite trên đất nông nghiệp. Các khu đất trồng rừng được lật tung lên để tìm kiếm bentonite nhưng không bị chính quyền địa phương ngăn chặn.
Khu vực khai thác bentonite trái phép tại xã Tân Ninh bất chấp lệnh cấm
Bentonite là một loại sét khoáng có tính hóa keo cao. Với các thuộc tính của bentonite (thủy hóa, nở, độ hút nước, độ nhớt, tính xúc biến) làm cho nó thành một sản phẩm ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như khuôn đúc, luyện kim, xây dựng dân dụng, công nghiệp khoan, địa kỹ thuật, cải thiện môi trường, nông nghiệp, mỹ phẩm và y tế.
Ở nước ta, các mỏ bentonite nằm rải rác ở nhiều địa phương, trong đó Thanh Hóa là một trong những tỉnh có các mỏ bentonite lớn.
Đi dọc con đường lớn qua UBND xã Tân Ninh 1, huyện Triệu Sơn đoạn không xa, rất nhiều các đường ngang bằng đất được mở ra, cứ theo các vết bánh xe còn mới là tới được nơi khai thác bentonite trái phép.
Trong vai người đi tìm việc làm, phóng viên đã thâm nhập vào bãi khai thác bentonite ở xóm núi. Hoạt động khai thác bắt đầu từ 5 giờ sáng tới khoảng 10 giờ trưa, buổi chiều từ 13 giờ tới 17 giờ 30. Các vật dụng được sử dụng là cuốc, xà beng, thúng và chở bằng công nông. Sau khi đào, bóc lớp đất phía trên sẽ lộ ra lớp bentonite phía dưới. Lúc này những viên đất bằng nắm tay được dồn lại thành đống và chất lên công nông vận chuyển tới các nhà máy được xây dựng trái phép để tập kết, chế biến.
Chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa bị phớt lờ
Rời bãi khai thác này, chúng tôi lại men theo con đường đá vào bãi rác giáp với xã Thái Hòa. Một nhà xưởng mới được mọc lên của ông V. thôn 7, Tân Ninh. Tại đây, 1 chiếc máy múc và cả ô tô đang tích cực khai thác khoáng sản đưa vào trong kho mà không thấy các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi về sự bao che bảo kê của chính quyền địa phương đối với hoạt động này?
Được biết, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra và phát hiện, hàng loạt các công ty, doanh nghiệp được UBND xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn giao đất để phát triển trang trại, thế nhưng trang trại thì không thấy đâu, mà thay vào đó là hơn chục nhà máy sản xuất bentonite mọc lên ngay trên các diện tích giao thầu trang trại. Vụ việc đã diễn ra cả chục năm nay và đang tiếp tục xuất hiện thêm những nhà máy mới.
Một xưởng tập kết mới được xây dựng trên đất trồng rừng
Từ con đường trục chính vào xã Tân Ninh, dễ dàng quan sát thấy hai bên đường là hàng loạt các nhà máy, xưởng sản xuất bentonite mọc lên, cái rộng phải 4.000 – 5.000 m2, nhỏ cũng phải 500 m2, tất cả đều được trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất và trang thiết bị bài bản và hiện đại.
Nhiều người dân tại đây cho biết, tất cả các vị trí nhà máy, xưởng sản xuất bentonie được dựng lên đều là đất sản xuất kém hiệu quả do UBND xã Tân Ninh quản lý. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì cách đây khoảng chục năm nhiều diện tích đất này bị biến dạng do san ủi, lấp đất làm mặt bằng và nhiều nhà máy được dựng lên. Đó là chưa kể trong quá trình sản xuất, tiếng máy móc, tác động từ việc sản xuất của các nhà máy này đến môi trường, rồi xe cộ ra vào tấp nập cũng khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Xưởng chế biến bentonite trái phép ngay trục đường chính
Theo tìm hiểu, trên địa bàn có các đơn vị đã và đang sản xuất bentonite gồm: Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Tân Thành Hưng, DNTN Hùng Ngọc, Công ty TNHH Tân Đức, Công ty TNHH Hưng Cường, Công ty Trường Trung, Công ty Sơn Thanh Phong và Công ty Xuân Nga… Các doanh nghiệp này đều xây dựng trên đất hoang hóa, đất giao thầu của UBND xã với mục đích trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi có thời hạn 5 năm, hết 5 năm lại ký hợp đồng giao thầu tiếp.
Sai phạm của nhiều công ty, doanh nghiệp trên là rất nghiêm trọng, không chỉ sử dụng đất không đúng với mục đích, biến dạng hiện trạng đất đai mà còn xây dựng nhà máy khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đi vào hoạt động khi chưa có đánh giá tác động môi trường… Hơn nữa sai phạm kéo dài nhiều năm, nhiều đối tượng và có những diễn biến phức tạp.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn đề nghị Sở TN&MT, UBND huyện Triệu Sơn kiểm tra làm rõ vấn đề; đồng thời chỉ đạo tháo dỡ các công trình vi phạm, trả lại mặt bằng nguyên trạng, sử dụng đất đúng mục đích được giao. Tuy nhiên đến nay, chính quyền địa phương không có động tĩnh gì mà vẫn để cho hoạt động khai thác, tập kết bentonite diễn ra rầm rộ.