Tọa đàm “Văn học trinh thám Việt Nam và tiểu thuyết của nhà văn Di Li”, ra mắt tiểu thuyết “Câu lạc bộ số 7” do Trung tâm Văn hóa Pháp (L’éspace) và Công ty CP Sách Bách Việt phối hợp tổ chức vào chiều 18/1 tại Nhà văn hóa Pháp (Hà Nội).
Buổi tọa đàm có các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Võ Thị Xuân Hà, nhà phê bình Chu Văn Sơn, nhà phê bình Văn Giá, đạo diễn Quốc Trọng và nhà văn Di Li. Dẫn chương trình là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Cử tọa có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Nguyễn Trọng Tạo, Đoàn Tử Huyến, Văn Chinh, Nguyễn Minh Tuấn, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Ước, Nguyễn Văn Thọ… và đông đảo bạn đọc ngồi kín hội trường.
Nhà văn Di Li trao đổi với bạn đọc
Buổi tọa đàm đã mang đến cho người tham dự những thông tin, nhận thức đầy đủ hơn về dòng văn học trinh thám. Văn học trinh thám theo thời gian đã giành được một vị trí vững chắc không thể thiếu trong nền văn học phương Tây, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nga, Mỹ… Ở châu Á, văn học trinh thám tuy không phát triển bằng nhưng ngày càng có nhiều tác giả tạo được trụ cột vững chắc cho thể loại này ở những năm đầu thế kỷ 21 như Lôi Mễ, Tang Thượng, Chu Hạo Huy (Trung Quốc), Jeong You Jeong (Hàn Quốc), Higashino Keigo, Yoshida Shuichi (Nhật Bản)… Tuy nhiên, ở Việt Nam trinh thám hầu như giẫm chân tại chỗ. Trải qua gần một thế kỷ, từ những tập truyện đầu tiên của Phạm Cao Củng theo trường phái của thám tử Sherlock Holmes cho đến “Gói thuốc lá” của Thế Lữ, trinh thám đã dừng lại nửa thế kỷ và nhà văn Di Li là tác giả đương đại đầu tiên tiếp nối truyền thống hiếm hoi này với hai cuốn tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ” và “Câu lạc bộ số 7”.
Kể từ sự ra mắt lần đầu tiên của “Trại Hoa Đỏ” đến “Câu lạc bộ số 7”, nhà văn Di Li đã định hình được phong cách và khẳng định vị trí của mình trong nền văn học trinh thám Việt Nam. Với cuốn tiểu thuyết 540 trang, như thường lệ, Di Li thách đố độc giả đi tìm lời giải “Ai là thủ phạm?” và bí mật chỉ được hé lộ ở chương áp cuối. “Câu lạc bộ số 7” tập trung vào đề tài chưa từng được đề cập đến trong văn học, đó là Giới tính thứ tư. Cuốn tiểu thuyết dẫn dụ người đọc qua những câu đố thắt tim khi lần lượt chứng kiến năm vụ án mạng tưởng chừng chỉ là những tai nạn thông thường nếu như nạn nhân là các thiếu nữ xinh đẹp không có cùng một điểm chung là trước khi chết đều bước chân lên chiếc taxi mang thương hiệu Hoa Sen. Cả phòng Cảnh sát hình sự, trong đó có Phan Đăng Bách và Mai Thanh đau đầu vì không tìm thấy bất cứ dấu vết sinh học, tang chứng nào để lại hiện trường, cũng như không thể tìm ra động cơ của những vụ giết người. Đối tượng tình nghi hàng đầu là Vũ Phương Đăng, con trai của một giám đốc ngân hàng, cũng là bạn trai của nạn nhân Lê Hoàng Mai. Nhưng những gì mà các Cảnh sát hình sự lần lượt phát hiện ra đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. “Câu lạc bộ số 7” còn là một chuyện tình bi thương và đau lòng.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng “Di Li có một phẩm chất vô cùng quan trọng trong sáng tạo thể loại trinh thám, đó là sự kiên nhẫn hay khả năng mai phục. Kiên nhẫn gieo những chi tiết quan trọng một cách tưởng vô tình và rải rác trong từng trang sách nhưng với một ý đồ rõ ràng và thông minh. Chính điều đó làm nên hiệu quả là diễn biến của vụ án hoàn toàn diễn ra như chính nó ở ngoài đời chứ không phải sự sắp đặt của tác giả. Yếu tố này làm nên sự hấp dẫn và hồi hộp cho tác phẩm”.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà cũng nhận xét: “Văn chương trinh thám của người Việt vốn đã khẳng định được chân diện của mình. Với Câu lạc bộ số 7, sự xác tín đó càng rõ nét. Một cuốn tiểu thuyết lãng mạn trẻ trung đẫm đầy ly kỳ, được viết dưới một chủ đề còn khá lạ ở ta. Những tội ác mang màu sắc nghi lễ tôn giáo, cho dù đấy chỉ là một tà giáo. Sau Trại Hoa Đỏ, Di Li đích thực là một khuôn mặt hiếm hoi của thể loại tâm lý hình sự xã hội Việt Nam.”
Còn đạo diễn Quốc Trọng thì bình luận: “Câu chuyện khiến người đọc bị cuốn theo một cách mê mụ bởi các chi tiết và tình huống. Chính sự đan cài khéo léo các tình tiết tưởng chừng như vô nghĩa đã khiến độc giả luôn bị nhầm lẫn trong việc đoán định câu chuyện. Tội ác, một khi được nhào nặn với đức tin bệnh hoạn và mù quáng, sẽ trở thành thảm họa của cộng đồng. Căng thẳng. Hồi hộp. Trộn lẫn không khí đôi phần ma mị dường như vẫn là phong cách mang đậm chất Di Li trong Câu lạc bộ số 7”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Di Li và các vị khách quốc tế dự tọa đàm
Nhà văn Di Li hiện là giảng viên tiếng Anh của trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, giảng viên PR của trường ĐH Hòa Bình, hội viên Hội nhà văn Châu Á-Thái Bình Dương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Chị thông thạo bốn ngoại ngữ nên có thể nó là một trong những nhà văn tiếp cận với văn học nước ngoài một cách chủ động. Chị đã có 28 đầu sách được phát hành bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký, sách chuyên ngành và sách dịch. Chị cũng có một tập truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Anh với nhan đề “The Black Diamond” và dịch sang tiếng Hà Lan với nhan đề “Cocktail”. Chị cho biết sẽ tham dự lễ ra mắt cuốn “Cocktail” tại hai thành phố Rotterdam và Heerlen, Hà Lan từ tuần lễ 22-28/2/2016 do nhà sách Boekhandel Snoek và trung tâm Pan Production Heerlen phối hợp tổ chức.
Trả lời câu hỏi về nhận xét của nhà văn đối với tội phạm ở Việt Nam hiện nay, nhà văn Di Li nói: "Tội phạm ngày càng man rợ hơn, tinh vi hơn, nhưng lại vì những lý do ngày càng trở nên giản đơn hơn. Đó là xu hướng tất yếu song hành cùng với sự phát triển của dân số, đô thị và kinh tế. Những gì tôi viết trong tiểu thuyết chỉ đơn thuần phản ánh hiện thực mà thôi".
Một trong những vị khách đến tham gia buổi tọa đàm là vị Đại sứ Palextin tại Việt Nam, ông cho rằng với tác phẩm “Câu lạc bộ số 7” của nhà văn Di Li, một giai đoạn mới, phát triển hơn của thể tài truyện trinh thám đã mở ra trên văn đàn Việt Nam. Ý kiến này được các diễn giả đồng tình.