Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc-Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa.
Đặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
Kiên quyết chống việc bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp; các loại hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi; gian lận về giá, về đo lường với những thủ đoạn tinh vi vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được chuyển biến tích cực hơn nữa, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Công Thương cùng lực lượng Quản lý thị trường cả nước cần củng cố lực lượng theo hướng chuyên sâu, vững về chuyên môn, nghiệp vụ; xác định, phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị với trách nhiệm của người đứng đầu; chú trọng giáo dục về chính trị, tư tưởng; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ để phòng, chống tiêu cực; đảm bảo nội bộ trong sạch, kiên quyết chống việc bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả.
Bộ Công Thương cùng lực lượng Quản lý thị trường cả nước cần chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Thuế, Hải quan, các Hiệp hội ngành nghề để làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc địa bàn, đối tượng, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý, tránh tình trạng kiểm tra tràn lan, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân buôn bán hợp pháp; mở các đợt cao điểm đấu tranh theo chuyên đề, triệt phá tận gốc các đường dây, ô nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa.
Không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá
Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng và các mặt nguy hại để người dân không tiếp tay, không vận chuyển, không mua bán, sử dụng các loại hàng này; tiếp tục mở rộng, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhập khẩu, hàng kém chất lượng, không gian lận thương mại.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Công Thương phải phối hợp thường xuyên với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình cung cầu hàng hóa để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, ở vùng sâu, vùng xa; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
* Cũng tại kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 9/1/2016 vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự xã hội, phòng, chống tội phạm, tạo được niềm tin trong nhân dân; xử lý nghiêm một số vụ buôn lậu và gian lận thương mại, đã vận động được trên 2000 hộ kinh doanh lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần làm tốt việc phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp về phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân và tiêu thụ hàng hóa cho các vùng sản xuất lân cận; có phương án bố trí đủ phương tiện cho học sinh, sinh viên và người lao động về quê ăn Tết; quan tâm đến người nghèo và công nhân tại các Khu công nghiệp; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí và quản lý lễ hội bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự.
UBND thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công chức; rà soát bổ sung nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đồng thời tập trung triệt phá các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu phân phối hàng lậu, hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt là các vụ thực phẩm bẩn, gian lận ở các cây xăng..., để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Dựa vào nhân dân, phát động phong trào từ nhân dân, tiếp tục tổ chức ký cam kết đối với các hộ không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thành phố Hà Nội cần chuẩn bị đầy đủ hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý, bảo đảm đủ số lượng đáp ứng nhu cầu của nhân dân; quan tâm đến các lực lượng tham gia như: công an, quân đội, quản lý thị trường, hải quan..., cả về vật chất và tinh thần.