Vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thị Minh Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty USPC bị bắt tạm giam, ông Byron Mc Laughlin, Tổng Giám đốc USPC đã nhiều lần viết đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng...
Vụ việc đã được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có văn bản đề nghị các cơ quan tố tụng Trung ương làm rõ. Mới đây, Văn phòng Luật sư Hà Đăng đã có tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ mong muốn vụ việc được làm sáng tỏ…
Xin nói rõ, đây là văn bản của Văn phòng Luật sư Hà Đăng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - tổ chức nhận tham gia tố tụng bào chữa cho bị can Nguyễn Thị Minh Trang, gửi Thủ tướng Chính phủ khi thấy rằng vụ án có dấu hiệu oan sai chưa được xem xét giải quyết, thì chính hai cơ quan tố tụng (Cơ quan Cảnh sát điều tra và VKSND tỉnh Bình Dương) lại đồng tổ chức cuộc họp để Công ty USPC tiến hành “hòa giải” với công ty đang tố cáo dẫn đến việc bà Minh Trang bị khởi tố, bắt giam. Điều đó cũng có nghĩa đây là vụ tranh chấp thương mại đã bị hình sự hóa, như quan điểm của Công ty USPC nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan Trung ương và báo chí để cầu cứu.
Văn bản kiến nghị của Công ty Luật Hà Đăng
Cụ thể, văn bản của Công ty Luật TNHH Hà Đăng với trách nhiệm tham gia tố tụng bào chữa cho bị can Nguyễn Thị Minh Trang trong vụ án “Trốn thuế” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do VKSND tỉnh Bình Dương thụ lý nêu rõ:
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và các văn bản “Kết luận điều tra” của Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương, Công ty Luật TNHH Hà Đăng phát hiện trong hoạt động tiếp nhận đơn tố giác tội phạm, phân công xác minh điều tra vụ việc, kết luận xác minh có nhiều khuất tất và vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền, kết luận việc xác minh trái pháp luật, dẫn đến việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến và đóng gói thủy hải sản (USPC) - bà Nguyễn Thị Minh Trang từ ngày 18/09/2014, hậu quả đến nay Công ty USPC bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh cũng như nhiều lao động phải nghỉ việc. Đồng thời tài sản là lô hàng 11.062,04kg cá ngừ thành phẩm của Công ty Tuna Fish Bình Định phải lưu giữ từ ngày 17/11/2012 tại kho hàng của Công ty USPC mà không được giải quyết.
Với trách nhiệm đóng góp, xây dựng hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự, Văn phòng Luật sư đã gửi bản Kiến nghị ngày 15/07/2016 đến Viện trưởng VKSNDTC và Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương - là cơ quan giám sát hoạt động tố tụng và là đơn vị đang thụ lý vụ án, để xem xét những hoạt động vi phạm tố tụng trong việc xác minh điều tra vụ án. Theo đó Văn phòng Luật sư kiến nghị đình chỉ vụ án để chuyển hồ sơ đến Tòa án để giải quyết tranh chấp quan hệ pháp luật về kinh tế thương mại theo quy định của pháp luật, nhưng đến nay cơ quan Kiểm sát chưa có bất kỳ một văn bản nào để xác định đã xem xét những nội dung trong bản kiến nghị của Luật sư.
Đến nay Văn phòng Luật sư được biết, vào chiều ngày 15/08/2016, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương mời đại diện Công ty USPC và đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Vinh Sâm (không mời Công ty cổ phần Tuna Fish Bình Định là chủ sở hữu lô hàng và chủ thể ký kết hợp đồng với Công ty USPC). Tại buổi làm việc do Phó Giám đốc Công an tỉnh và và Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương chủ trì, nội dung nhằm giải quyết trách nhiệm đối với lô hàng 11.062,04kg cá ngừ thành phẩm trên.
“Chúng tôi thấy rằng, VKSND tỉnh Bình Dương đang thụ lý vụ án với những tài liệu không đủ căn cứ để xác định là vụ án hình sự như bản Kiến nghị của Luật sư đã phân tích, nhưng VKSND tỉnh đã không xem xét để đình chỉ vụ án hoặc truy tố ra Tòa. Ngược lại, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương lại đồng ý và trực tiếp tham gia với cơ quan Công an (mặc dù Cơ quan điều tra đã ra bản Kết luận điều tra và tạm chấm dứt thẩm quyền thụ lý) tiến hành giải quyết về tranh chấp thương mại giữa các công ty về lô hàng mà cơ quan Cảnh sát điều tra đã kết luận là Phó Giám đốc Công ty USPC chiếm đoạt (nhưng không được thu giữ làm tang vật trong vụ án hình sự). Buổi làm việc này đã thể hiện cơ quan Công an và cơ quan Kiểm sát đều hiểu và biết rõ đây là việc tranh chấp thương mại giữa hai pháp nhân. Đó là Công ty USPC do ông Giám đốc Byron Scott MC Laughlin đại diện theo pháp luật (không phải Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Trang - người bị khởi tố, bắt giam) và Công ty Tuna Fish Bình Định do ông Giám đốc Đỗ Tấn Vinh đại diện theo pháp luật (không phải bà Trịnh Thị Ngọc Sâm - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinh Sâm là người tố cáo bà Trang)…” - Văn bản của Công ty Luật Hà Đăng khẳng định.
Giấy mời Công ty USPC làm việc
Với lý do trên, Công ty Luật Hà Đăng khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ: “Để ngăn chặn những hoạt động xâm hại tư pháp, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty USPC), đề nghị Thủ tướng xem xét và sớm có biện pháp yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm vụ việc oan sai kéo dài từ năm 2012 đến nay”.
Như Báo Công lý đã có loạt bài viết về vụ việc này phản ánh: Ngày 28/7/2012, Công ty USPC và Công ty Cổ phần Tuna Fish Bình Định (Công ty Bình Định) - trụ sở tại số 26 đường Hàm Tử, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - đã ký Hợp đồng gia công chế biến hàng đông lạnh, theo đó Công ty USPC đã nhận nguyên liệu cá ngừ tươi từ Công ty Bình Định để sản xuất gia công thành cá ngừ CO loin đông lạnh cho họ. Sau khi thực hiện xong việc gia công lô hàng, Công ty Bình Định đã nhận một phần hàng thành phẩm, số thành phẩm còn lại là 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh.
Biên bản buổi làm việc
Sau đó, ngày 25/9/2012, Công ty USPC và Công ty Bình Định đã ký Hợp đồng ủy thác xuất khẩu số 001/12/USPC-VS/HĐUTXK với điều kiện thương mại ghi rõ là Công ty USPC sẽ xuất khẩu ủy thác cho Công ty Bình Định số lượng 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh cho khách hàng ở Mỹ. Công ty Bình Định vẫn là chủ sở hữu lô hàng cho đến khi nó được giao cho khách hàng mua.
Ngày 06/10/2012, lô hàng 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh rời nhà máy USPC theo đúng Hợp đồng ủy thác xuất khẩu đã ký kết giữa hai công ty bằng Lệnh xuất hàng số 0049/12 ngày 05/10/2012 và Tờ khai hải quan hàng xuất khẩu số 2619 ngày 06/10/2012, cả hai đều do Ông Byron Mc Laughlin, Tổng Giám đốc Công ty USPC ký tên. Lô hàng trên được xuất khẩu cho một khách hàng ở Mỹ với giá trị xuất khẩu 145.566 USD.
Tuy nhiên, ngày 20/10/2012, bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, vợ ông Đỗ Tấn Vinh - người đại diện theo pháp luật Công ty Bình Định - bất ngờ có đơn tố cáo bà Minh Trang - Phó Tổng Giám đốc Công ty USPC “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinh Sâm - trụ sở tại số 49 đường Nguyễn Trãi, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Trong khi vụ việc chưa được giải quyết theo luật pháp Việt Nam tại một Tòa án kinh tế theo lẽ thông thường phải được làm, thì ngày 18/11/2014, PC45 Công an Bình Dương đã bắt bà Minh Trang và giam giữ bà Trang 7 tháng để điều tra hai tội danh “Trốn thuế” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản”.
Sau gần 3 năm điều tra, ngày 18/9/2015, PC45 Công an Bình Dương đã ban hành bản Kết luận điều tra số 77/KLĐT-PC45 cáo buộc bà Minh Trang phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của Công ty TNHH XNK Vinh Sâm.
Bản kết luận điều tra buộc tội Công ty USPC và bà Minh Trang đã nhận nguyên liệu cá ngừ tươi từ Công ty TNHH XNK Vinh Sâm vào tháng 7/2012, sau đó chế biến số nguyên liệu cá ngừ này thành 11.062 kg cá ngừ loin CO đông lạnh và xuất khẩu 11.062 kg cá ngừ loin CO đông lạnh đi Mỹ mà không có sự đồng ý của chủ hàng.
Từ khi vụ việc xảy ra, xưởng đông lạnh ngừng hoạt động
Không những thế, PC45 Công an Bình Dương còn quy kết Công ty USPC đã ký một hợp đồng gia công với Công ty TNHH XNK Vinh Sâm, trong đó Công ty USPC đồng ý nhận nguyên liệu cá ngừ tươi và chế biến số nguyên liệu đó thành cá ngừ loin CO đông lạnh (11.062 kg) cho Công ty TNHH XNK Vinh Sâm.
Tuy nhiên, đơn của Công ty USPC khẳng định, Công ty không có bất cứ thỏa thuận thương mại nào với Công ty TNHH XNK Vinh Sâm liên quan đến lô hàng 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh, và bà Minh Trang không chiếm đoạt bất cứ thứ gì, cho dù là 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh hay là tiền của Công ty TNHH XNK Vinh Sâm hoặc của một bên nào khác. Và thực tế bản Kết luận điều tra của PC45 Công an Bình Dương cũng không có bất cứ bằng chứng gì chứng tỏ Công ty TNHH XNK Vinh Sâm đã giao số nguyên liệu cá ngừ tươi cho Công ty USPC, và cũng không có một giấy tờ nào chứng minh Công ty USPC và TNHH XNK Vinh Sâm có thỏa thuận thương mại liên quan đến số lượng 11.062 kg cá ngừ loin CO đông lạnh.
Nội dung đơn còn cho biết: Trong suốt quá trình điều tra từ tháng 10/2012 đến nay, lãnh đạo Công ty USPC đã nhiều lần giải thích rõ ràng với PC45 Công an Bình Dương rằng, Công ty USPC đã nhận nguyên liệu cá ngừ tươi từ Công ty Bình Định để chế biến thành 11.062 kg cá ngừ CO loin đông lạnh cho Công ty Bình Định. Đồng thời Công ty USPC đã trình đầy đủ giấy tờ gồm các hợp đồng, phiếu nhập kho, phiếu giao hàng, trong đó có cả Hợp đồng gia công chế biến hàng đông lạnh và Hợp đồng ủy thác xuất khẩu hợp pháp đã được Công ty Bình Định ký tên, đóng dấu. Nhưng vì lý do gì nào đó mà PC45 Công an Bình Dương từ chối chấp nhận những giấy tờ này và không thừa nhận các bản hợp đồng đó như là chứng cứ hợp pháp của vụ án mà không giải thích lý do vì sao.
Đây là vụ tranh chấp thương mại, phải được xem và được giải quyết theo con đường tố tụng của Tòa án để phân xử đúng sai, tuy nhiên đã bị Cơ quan điều tra và VKSND tỉnh Bình Dương đẩy lên thành vụ án hình sự.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin khi có tình tiết mới.