Chủ tịch nước nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong phiên thảo luận tổ sáng nay 6/1 về Quy hoạch tổng thể quốc gia kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất cấp bách
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đồng ý đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung, đoàn Yên Bái đề nghị: Qua giám sát một số địa phương về việc thực hiện chi trả chế độ chính sách thì còn khó khăn, khó khăn trong việc xác định đối tượng tham gia, trong việc xác định ngày công tham gia. Mỗi địa phương có cách thực hiện, rồi cách tính, quy định còn chưa thống nhất. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn một cách thống nhất, rõ tiêu chí để dễ triển khai thực hiện thanh toán, quyết toán chi phí phòng, chống dịch cũng như để dễ kiểm tra, giám sát.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, Nghị quyết 30 thực sự là sáng kiến pháp luật và thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Nghị quyết 30 cũng tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Qua báo cáo cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực triển khai Nghị quyết 30 với tinh thần khẩn trương, chủ động, linh hoạt với những giải pháp chưa có trong tiền lệ. Áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc cách, đặc thù đáp ứng điều kiện thực tế phòng chống dịch. Chính phủ và Bộ Y tế đã chủ động ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có 7 nghị quyết đặc thù để triển khai việc mua vaccine cho chiến lược tiêm chủng quốc gia. Đây là vấn đề cấp bách và cũng đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch.
Theo bà Hà, một trong những thành công của Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch chính là vaccine. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành ban hành những nghị quyết liên quan đến việc mua vaccine mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của Trung ương mà chưa ban hành được những văn bản để giải quyết được những khó khăn trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch ở địa phương.
Tại các địa phương khi mua sắm, vẫn thực hiện theo những quy định chung như Luật Đấu thầu, mà chưa có những quy định cụ thể để hướng dẫn Nghị quyết 30 của Quốc hội. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói về việc mua sắm trang thiết bị chống dịch Covid – 2, tại thời điểm dịch bệnh bùng phát khi triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch, nhu cầu sử dụng số lượng trang thiết bị, vật tư rất lớn.
Nhiều địa phương đã phải huy động, trưng dụng các nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của khu vực tư nhân hoặc phải rút ngắn thủ tục, thời gian một số nội dung mua sắm, tạm ứng vay mượn để có thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch khẩn cấp trong điều kiện thời gian gấp rút, tính từng ngày, từng giờ nên chưa kịp đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Rất nhiều địa phương đã phải linh hoạt, quyết liệt để đảm bảo công tác chuyên môn phòng chống dịch nên có hiện tượng trưng thu, trưng mua hoặc vay mượn kit test xét nghiệm hoặc trang thiết bị huy động lực lượng tư nhân. Tuy nhiên, sau khi vay mượn như vậy, hướng dẫn thực hiện như thế nào thì hiện giờ trong văn bản của Chính phủ cũng như Bộ Y tế chưa có hướng dẫn để địa phương giải quyết được những khó khăn mà đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch và mua sắm.
Đại biểu Thái Thanh Quý- tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận
Do vậy, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương giải quyết những khó khăn này. Cho đến nay vẫn chưa có quy định về việc mua sắm trong thời điểm phòng chống dịch, huy động về giá, trang thiết bị, vật tư tiêu hao. Đấy là những khó khăn, vướng mắc rất lớn ở địa phương thực hiện phòng chống dịch. Vướng mắc trong việc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ, đặc biệt là những tài sản được tài trợ trong công tác phòng chống dịch rất cấp bách.
Quy hoạch quốc gia cần quan tâm đến hạ tầng công nghệ, hạ tầng số
Cùng trong buổi sáng các đại biểu cũng thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu đánh giá Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng tác động lớn đến sự phát triển của quốc gia trong thời gian dài. Góp ý cho về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu hướng tới tính toàn diện, bền vững, có trọng tâm trọng điểm để thúc đẩy kinh tế - xã hội với tầm nhìn xa, đúng xu hướng thời đại.
Đại biểu Nguyễn Như So, đoàn Bắc Ninh nhận xét: Về mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đến năm 2030, báo cáo mới chỉ tập trung vào hạ tầng giao thông, trong khi đó hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng đóng một vai trò quan trọng quyết định đến sự phát triển kinh tế xã hội nhưng lại rất chung chung, chưa rõ mục tiêu. Do vậy cần bổ sung quy định rõ mục tiêu đối với một số ngành, có vai trò quan trọng như hạ tầng về công nghệ thông tin, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng.
Đại biểu Dương Văn Thái - Bắc Giang cho rằng, đây là quy hoạch mang tính chiến lược với quy mô rất lớn, phạm vi rộng và lần đầu tiên chúng ta triển khai quy hoạch về định hướng tích hợp, tích hợp các ngành, các lĩnh vực, các vùng lãnh thổ, 38 quy hoạch ngành quốc gia và vùng lãnh thổ. Quy hoạch lần đầu tiên chúng ta làm, là vấn đề khó. Chính phủ cũng đã trình đồ án quy hoạch khá đồ sộ.
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ lộ trình phát triển của đất nước đến thời kỳ 2020 đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Đại biểu cho rằng, về lâu dài cần đưa vào quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông; cần quan tâm đến quy hoạch, đặc biệt là giao thông đường thủy và đường sắt. Hai lĩnh vực huyết mạch này sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển đất nước đang diễn ra sôi động liên tục, nếu không cập nhật sẽ bị lạc hậu. Bên cạnh đó quy hoạch quốc gia cần đảm bảo an sinh xã hội: Đặt vấn đề quy hoạch, nhất là quy hoạch những cái trục chính, những cái đô thị, những cái khu vực mà dân cư và đảm bảo cuộc sống cho người dân rất quan trọng. Chính vì thế yêu cầu quy hoạch này chúng ta phải giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn con người là quan trọng. Bây giờ phát triển cái gì mà không an toàn cho con người, cho dân tộc, cho đất nước thì làm sao có thể làm được. và đi liền với đó là phải bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, đoàn Lai Châu thì cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đi trước nên việc xây dựng kịp thời là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn băn khoăn về những mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong báo cáo chưa có sự thống nhất: Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng Quốc gia là 7% nhưng các vùng tối thiểu là 7%, các vùng phát triển cao ví dụ đông nam bộ 8%, đồng bằng sông Hồng 9% nhưng tổng thể chung chỉ có 7%, Chính phủ cần có báo cáo để giải trình làm rõ để đảm bảo tính thống nhất thôi, quy hoạch dù là định hướng nhưng bảo đảm tính logic, thống nhất thì mới có điều kiện thực hiện được.