Quy định về việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung trong BLTTHS 2015

Phương Nam| 27/07/2019 11:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLTTHS 2015 đã bổ sung điều luật để quy định cụ thể các căn cứ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu của VKS nêu trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Để bảo đảm việc giải quyết vụ án được khẩn trương, BLTTHS 2015 quy định trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nếu xét thấy có thể bổ sung chứng cứ, tài liệu thì Viện kiểm sát trực tiếp bổ sung mà không nhất thiết phải trả cho Cơ quan điều tra.

Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong thời hạn quyết định truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 và Điều 280 BLTTHS 2015. Hội đồng xét xử ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 298 và khoản 6 Điều 326 BLTTHS 2015.

Quy định về việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung trong BLTTHS 2015

Ảnh minh họa

Thời hạn điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 174 BLTTHS 2015: Thời hạn do Viện kiểm sát trả hồ sơ không quá hai tháng; do Tòa án trả hồ sơ không quá một tháng tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đến khi Cơ quan điều tra có bản kết luận điều tra bổ sung. Viện kiểm sát chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã có những quy định nghiêm ngặt trong các quy định về điều tra bổ sung, trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trường hợp còn thiếu chứng cứ để chứng minh mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được thì sẽ phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Quy định này rõ ràng hơn so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 chỉ quy định đơn thuần là “chứng cứ quan trọng của vụ án”.

Trường hợp có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác, Viện kiểm sát không được tiến hành truy tố luôn về tội mới này mà phải tiến hành trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành xác định tội phạm, thu thập đầy đủ chứng cứ gửi lại cho Viện kiểm sát thì mới có thể tiến hành truy tố về cả tội đã phạm và cả tội mới.

Trường hợp có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can thì Viện kiểm sát có thể tiến hành tách từng vụ án ra để truy tố nhưng nếu không tách được thì Viện kiểm sát buộc phải trả hồ sơ lại cho cơ quan điều tra để bổ sung đồng phạm hoặc người phạm tội khác có liên quan trực tiếp tới vụ án vào hồ sơ.

Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được giải thích là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

Khoản 3 Điều 245 quy định, sau khi Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung thì cơ quan điều tra phải thực hiện đầy đủ những yêu cầu theo như trong quyết định trả hồ sơ của Viện kiểm sát và nếu vì lý do bất khả kháng hoặc vì lý do khách quan mà không thể tiến hành điều tra được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản gửi cho Viện kiểm sát, có thể cơ quan điều tra này sẽ ủy quyền điều tra cho cơ quan điều tra khác để thực hiện thay nhiệm vụ này.

Ngoài các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, để hạn chế tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố, xét xử, Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT – VKSNDTC – TANDTC – BCA – BQP ngày 22/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong đó có các quy định cụ thể về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn truy tố để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Như vậy, theo các quy định pháp luật, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành tố tụng phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ để phát hiện các trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đồng thời phải kịp thời ra quyết định, không được để hết thời hạn quyết định truy tố hoặc hết thời hạn chuẩn bị xét xử mới ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung trong BLTTHS 2015