Quy định về việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc chính thức có hiệu lực từ 15/4 tới

PV| 10/04/2020 16:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về thuốc tiêm, cơ sở vật chất, trách nhiệm của các cơ quan liên quan... trong việc thi hành tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Theo nghị định, một liều thuốc dùng để thi hành án tử hình sẽ gồm ba loại (làm mất tri giác, làm liệt hệ vận động, làm ngừng hoạt động của tim) và chỉ dùng cho một người. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; được bảo quản theo điều kiện ghi trên nhãn liều thuốc, hướng dẫn của đơn vị cung cấp.

Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình theo kế hoạch dự trù thuốc hằng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình. Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành danh mục thuốc, liều lượng thuốc sử dụng, quy trình sử dụng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình.

Quy định về việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc chính thức có hiệu lực từ 15/4 tới

Ảnh minh họa

Các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình gồm: giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án; máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án…Người bị thi hành án tử hình sẽ được ăn, uống bữa cuối bằng năm lần tiêu chuẩn của ngày lễ, tết quy định đối với người bị tạm giam, viết thư và ghi âm lời nói cuối cùng.

Về thuốc, nghị định quy định thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định. Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chuẩn bị đủ ba liều thuốc (trong đó có hai liều dự phòng); xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm rồi đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định.

Quy trình tiêm được thực hiện theo các bước: Đầu tiên là tiêm thuốc làm mất tri giác. Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất tri giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất tri giác. Tiếp đó là tiêm thuốc làm liệt hệ vận động. Cuối cùng là tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Trường hợp sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng…

Nghị định cũng quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia thi hành án tử hình được quy định: Người tham gia Đội thi hành án tử hình được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng ba lần mức lương cơ sở khi thi hành án tử hình đối với 01 người và nghỉ dưỡng 10 ngày theo quy định chung về chế độ nghỉ dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.

Người tham gia Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ quản giáo, người ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, phiên dịch, thực hiện lăn tay người bị thi hành án tử hình, khâm liệm, mai táng tử thi được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng một lần mức lương cơ sở khi thi hành án tử hình đối với 01 người. Người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự; đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã; Điều tra viên được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng một phần hai mức lương cơ sở khi thi hành án tử hình đối với 01 người.

Nghị định cũng quy định: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng căn cứ vào tình hình thực tiễn để đầu tư xây dựng nhà thi hành án tử hình và phòng làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình tại Công an cấp tỉnh, đơn vị quân đội cấp quân khu nhà thi hành án tử hình và phòng làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình; đảm bảo trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án như máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án;...

Ngoài ra, nghị định cũng quy định thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi, tro cốt về mai táng nhưng phải tự chịu chi phí và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

Nghị định này thay thế Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; Nghị định số 47/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4 tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc chính thức có hiệu lực từ 15/4 tới