Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015 đã bổ sung trách nhiệm của Nhà nước, của Thẩm phán nhằm bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Tư cách pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng dân sự: Bộ luật tố tụng dân sự 2015 tiếp tục kế thừa quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 75). Như vậy, trường hợp đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố sẽ cử Trợ giúp viên pháp lý/luật sư (luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cử luật sư làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Theo quy định của Khoản 3 Điều 9 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì trách nhiệm bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định như sau: "Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án".
Nhằm bảo đảm cho đương sự biết quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quy định Thẩm phán có trách nhiệm: “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý” (khoản 6 Điều 46).
Đối với Luật Tố tụng hành chính năm 2015: Luật Tố tụng hành chính 2015 đã kế thừa quy định về tư cách tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 61), đồng thời, ghi nhận Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý (Điều 19), trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý của Thẩm phán (Điều 38).
Ảnh minh họa
Luật tố tụng hành chính 2015 tiếp tục kế thừa quy định Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 61) từ Luật tố tụng hành chính 2010. Khoản 3 Điều 19 Luật tố tụng hành chính quy định về bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau: "Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án". Như vậy, việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý được Luật Tố tụng hành chính ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Tương tự như trong tố tụng dân sự, nhằm bảo đảm cho đương sự biết quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý, Luật Tố tụng hành chính 2015 đã quy định Thẩm phán có trách nhiệm: “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”. Vai trò của Thẩm phán được nhấn mạnh trong việc bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của người dân, góp phần đảm bảo quyền cơ bản của con người, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người được trợ giúp pháp lý được đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý. Điều 8 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm hành vi “cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan”. Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý (Điều 9) đồng thời ghi nhận nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý (Điều 16).
Theo quy định tại Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, người được trợ giúp pháp lý có quyền “Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý”. Theo quy định Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, nhà tạm giữ, trại tạm giam có trách nhiệm chuyển yêu cầu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó có việc chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017: Khoản 3 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của bị can, bị cáo, người bị hại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương”. Đồng thời, Khoản 1 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng đã quy định tư cách tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
Điều 41 Luật Trợ giúp pháp lý quy định về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Đây là một trong những quy định mới của Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Theo đó, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý trong hệ thống các cơ quan trực thuộc. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.