Sau hơn 3 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính, số lượng các vụ án hành chính mà TAND các cấp thụ lý, giải quyết đều tăng mạnh, năm sau tăng hơn năm trước.
Số lượng các vụ án hành chính tăng là do thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, điều kiện khởi kiện vụ án hành chính đã được đơn giản hóa, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân công dân được đảm bảo khi tham gia tố tụng…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số quy định của Luật Tố tụng hành chính cần được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND mới ban hành.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ án hành chính cho thấy, chiều hướng của công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính của TAND các cấp trong các năm tiếp theo sẽ có những xu hướng tăng lên khoảng 25-40%. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử cho thấy đã có nhiều bất cập từ quy định của Luật này. Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những bất cập cần sửa đổi xung quanh quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong Luật, bởi quy định chưa đầy đủ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau, có những quy định chưa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thủ tục giám đốc thẩm
Quy định về việc phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm tại khoản 1 Điều 211 Luật TTHC quy định: “Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.
Một phiên tòa xét xử vụ án hành chính tại TP Huế
Tại khoản 2 của điều này quy định: “Trong trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”, nhưng lại không có quy định về thời hạn; về cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực và vi phạm pháp luật của Tòa án là ai.
Do vậy, trong thực tiễn khi xảy ra trường hợp này, khó áp dụng về thời hạn để xem xét giải quyết. Việc quy định không cụ thể về cá nhân, cơ quan, tổ chức khác là ai khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực và vi phạm pháp luật của Tòa án sẽ dẫn đến việc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm không có điểm dừng.
Về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tại khoản 1 Điều 215 Luật Tố tụng hành chính quy định về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 2 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp “đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này nhưng đã hết thời hạn kháng nghị mà người có quyền kháng nghị mới phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của người có quyền kháng nghị không phụ thuộc vào thời hạn quy định tại khoản 1 điều này”.
Việc quy định như trên tạo sự mâu thuẫn, không thống nhất như: Cũng cùng một trường hợp đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn là một năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, theo quy định tại khoản 1 thì người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn hai năm. Nhưng theo quy định tại khoản 2 của điều luật thì cũng cùng một trường hợp tương tự là đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn là một năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị vô thời hạn. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 2 của điều luật cho phù hợp với thực tiễn.
Tại khoản 3 của điều này cũng quy định: “Thời hạn kháng nghị phần dân sự trong bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Việc quy định như trên cũng chưa phù hợp vì nếu tách phần dân sự (phần yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra) trong vụ án hành chính từ đầu ngay sau khi thụ lý, thì việc giải quyết phần tranh chấp dân sự này được áp dụng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Còn việc Tòa án các cấp đã xem xét phần dân sự (phần yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra) trong quá trình giải quyết vụ án hành chính thì thời hạn kháng nghị phần dân sự trong bản án hành chính phải tuân theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Không thể áp dụng quy định thời hạn kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự cho một bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính thì bỏ khoản 3 của điều luật này, vì không phù hợp và không cần thiết.
Bất cập làm vụ án bị kéo dài
Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, tại Điều 225 Luật quy định:
“Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại; hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án”.
Điều 226, Điều 227 và Điều 228 Luật Tố tụng hành chính đã quy định cụ thể những nội dung của Điều 225.
Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính, thấy rằng có nhiều vụ án hành chính, bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không đúng pháp luật; Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị và Hội đồng giám đốc thẩm đã áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 225 hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại. Khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại tiếp tục ra bản án hoặc quyết định không đúng pháp luật, do đó lại bị kháng nghị và hủy án để giao về xét xử lại... Có những vụ án quay đi quay lại ba lần, dẫn đến kéo dài việc giải quyết vụ án, gây bức xúc trong dư luận, người dân...
Để tránh những trường hợp kéo dài việc giải quyết vụ án, nếu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được Tòa án thu thập đầy đủ, thể hiện rõ nội dung việc cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước ban hành quyết định hành chính, có hành vi hành chính là có căn cứ pháp luật (hoặc trái pháp luật) thì trong trường hợp này, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền không chấp nhận yêu cầu khởi kiện hoặc chấp nhận yêu cầu khởi kiện (hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật hoặc tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật).
Về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, tại Điều 233 Luật Tố tụng hành chính quy định căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như sau: “Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà Tòa án, đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án” (khoản 1).
Tuy nhiên, những nội dung, tài liệu, chứng cứ... nào thì được coi là “tình tiết quan trọng của vụ án”, đến nay chưa có văn bản nào giải thích nên dẫn đến cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng quy định của điều luật. Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính cần thiết phải làm rõ quy định này.
Tương tự, thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm, tại khoản 2, Điều 237 Luật quy định: “Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Luật này quy định”.
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó, nên cần thiết phải xét xử lại từ cấp sơ thẩm. Do vậy phải sửa đổi lại quy định tại khoản 2 của điều luật này như sau: “2. Hủy bản án, quyết định phúc thẩm và bản án, quyết định sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Luật này quy định”.