Quy định mới về mô hình phòng xét xử: Có bình đẳng thì tranh tụng mới có hiệu quả

Nam Phương| 03/12/2015 23:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc BLTTHS 2015 có quy định mới về phòng xử án là rất phù hợp, rất đáng ghi nhận để đưa hoạt động xét xử đến xu hướng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các bên buộc tội - gỡ tội.

Sự thay đổi cần thiết

Một điểm mới trong BLTTHS 2015 là quy định về phòng xử án (Điều 257). Theo đó, phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư (LS), người bào chữa khác. Điều luật cũng giao cho Chánh án TANDTC quy định cụ thể về phòng xử án theo tinh thần trên.

Quy định trên được đa số các luật sư ủng hộ. Theo các luật sư, hai bên buộc tội - gỡ tội có ngồi ngang hàng thì mới có bình đẳng, có bình đẳng thì mới có tranh tụng chất lượng. Dù LS không phải là người tiến hành tố tụng nhưng xét ở đối trọng trong khuôn khổ tranh tụng tại phiên tòa thì luật sư lại ngang hàng với kiểm sát viên (KSV). Việc thay đổi chỗ ngồi này không tốn kém nhiều tiền bạc, với điều kiện phòng xử án của chúng ta hiện nay thì có thể dễ dàng thực hiện. Hiện nay luật đã quy định chỉ có tòa án là cơ quan xét xử, do vậy vai trò điều khiển phiên tòa của HĐXX là lớn nhất. Việc BLTTHS 2015 có quy định mới về phòng xử án là rất phù hợp, rất đáng ghi nhận để đưa hoạt động xét xử đến xu hướng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các bên buộc tội - gỡ tội. Hiện nhiều nước như Mỹ, Anh, Nga… đều sắp xếp chỗ ngồi của công tố viên và LS ngang hàng nhau trong phòng xử án. Trong khi đó, chúng ta đang hướng tới một nền tư pháp hiện đại và hội nhập thì phải tranh thủ học hỏi những kinh nghiệm hay, loại bỏ những điểm bảo thủ, lạc hậu.

Quy định mới về mô hình phòng xét xử: Có bình đẳng thì tranh tụng mới có hiệu quả

Hội thảo về “Đề án đổi mới trang phục của thẩm phán, hội thẩm và mô hình phòng xét xử” 

Trước đây, dự thảo BLTTHS 2015 quy định vẫn giữ vị trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng như cũ. Quá trình góp ý dự thảo BLTTHS 2015, xuất phát từ kết quả khảo sát thiết kế phòng xử của nhiều nước như Hoa Kỳ, Canada, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng như thực tế phòng xử án tại TAND tỉnh Bình Dương, TAND TP Đà Nẵng, Liên đoàn LS đã đề nghị thiết kế vị trí chỗ ngồi ngang bằng nhau, thể hiện sự bình đẳng giữa đại diện VKS thực hiện chức năng buộc tội và LS thực hiện chức năng bào chữa. Đây không chỉ là vấn đề thay đổi vị trí ngồi một cách cơ học mà phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo (khoản 5 Điều 103) cũng như chủ trương cải cách tư pháp của Đảng thể hiện trong Nghị quyết số 08 ngày 2/1/2002, Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005. Ngay trước thời điểm Quốc hội thông qua BLTTHS 2015, TANDTC cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, ghi nhận và tổng hợp nhiều ý kiến tích cực liên quan đến việc bố trí phòng xử án.

Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng

Ngày 2/11/2015, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức hội thảo về “Đề án đổi mới trang phục của thẩm phán, hội thẩm và mô hình phòng xét xử”. Rất nhiều ý kiến ủng hộ việc bố trí lại vị trí chỗ ngồi của KSV và LS để thể hiện sự bình đẳng, tạo tâm lý thuận lợi cho LS khi tranh tụng. Nhiều đại biểu ủng hộ mô hình phòng xử của TAND thành phố Đà Nẵng. Theo đó, HĐXX ngồi ở vị trí cao nhất, riêng biệt, dưới Quốc huy và chính giữa hội trường. Ngồi phía dưới và ngay trước HĐXX là bàn Thư ký phiên tòa. Cũng phía dưới và bên tay phải HĐXX là bàn của đại diện VKS, bên tay trái đối diện VKS là bàn của Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những người tham gia tố tụng khác ngồi phía dưới đối diện với Thư ký phiên tòa.

Quy định mới về mô hình phòng xét xử: Có bình đẳng thì tranh tụng mới có hiệu quả

Mô hình phòng xét xử

Cách bố trí mô hình này được đánh giá là đáp ứng được tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, đảm bảo thể hiện được vị trí, vai trò trung tâm của HĐXX. Cách bố trí như trên cũng thể hiện sự linh động trong xét xử các loại vụ án, vừa đáp ứng được tình hình thực tế của Tòa án trên cả nước hiện nay. Đặc biệt, việc bố trí chổ ngồi của KSV và LS ngang hàng và đối diện nhau là thể hiện sự bình đẳng theo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được quy định tại Hiến pháp năm 2013.

Khi dự thảo BLTTHS 2015 được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc sắp xếp vị trí chỗ ngồi của KSV ngang hàng với LS. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận và chỉnh lý Điều 257 theo hướng trên. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định vị trí ngồi trong phòng xử án thể hiện sự bình đẳng giữa KSV với người bào chữa là cần thiết để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

BLTTHS 2015 vừa được Quốc hội thông qua đã quy định theo hướng mở, giao cho TANDTC quy định cụ thể. Như vậy, việc thiết kế phòng xử án, thiết lập vị trí chỗ ngồi thuộc thẩm quyền của Chánh án TANDTC, trên nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và người bào chữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới về mô hình phòng xét xử: Có bình đẳng thì tranh tụng mới có hiệu quả