Chính trị

Quy định mở về loại hình tổ chức hành nghề công chứng

Duy Tuấn 25/06/2024 - 12:11

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, sáng 25/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Kiến nghị lập văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, dự án Luật kế thừa các quy định hiện hành mô hình tổ chức của văn phòng công chứng. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 20 của dự thảo Luật quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.

nguyenhuuthong.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Thông cho rằng, quy định trên vẫn còn nhiều băn khoăn vì trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là rất phù hợp. Một mặt vừa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.

Do đó, đại biểu Thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh loại hình là công ty hợp danh như quy định hiện hành, nên chăng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân.

congchung1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

"Vì thực tế hiện nay, phần lớn các văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên điều hành hoạt động của văn phòng công chứng", đại biểu Thông nêu quan điểm.

Đề xuất công chứng được khai thác dữ liệu vân tay, mống mắt

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, dự thảo Luật bổ sung quy định công chứng được kết nối cơ sở dữ liệu dân cư ở các trường hợp sinh trắc học không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh như nhận diện khuôn mặt, vân tay, sau này là mống mắt."Từ đó có thể phục vụ cho việc xác định chủ thể tham gia giao dịch công chứng".

Đại biểu Mạnh cho rằng, "quy định như vậy thuận lợi, chính xác, an toàn cho hoạt động công chứng, đồng thời không lãng phí tài sản xã hội khi các tổ chức, cá nhân phải tự trang bị cho mình".

nguyenvanmanhj.jpeg
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Cũng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị bổ sung việc liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quyền khai thác cơ sở dữ liệu vào dự thảo Luật theo hướng cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quyền kết nối, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt.

"Điều này giúp hỗ trợ việc xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh trong hoạt động công chứng, nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề về an ninh quốc gia", đại biểu Trân phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định mở về loại hình tổ chức hành nghề công chứng