Đó là vấn đề được các đại biểu quan tâm được đưa ra tại hội nghị chuyên đề tình hình thực hiện thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án do TAND quận 4, TP.HCM tổ chức.
Các đại biểu có các tham luận nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm giải quyết trong việc đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được nêu ra.
Nhiệm vụ mới, nhiều áp lực
Ông Trương Văn Hiền, Chánh án TAND quận 4, Tp Hồ Chí Minh cho biết, qua một năm thực hiện, đơn vị đã thụ lý 438 hồ sơ, ra quyết định chấp nhận đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc 425 hồ sơ. Hầu hết các đề nghị của Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội quận 4 đều được TAND quận 4 chấp nhận, tỷ lệ đạt 100%. Có 01 hồ sơ trả lại do người bị đề nghị vì họ tên trong hồ sơ không phải tên của họ nên phải xác minh lại. Đình chỉ 12 hồ sơ với lý do Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội rút đề nghị. Sau khi kết thúc phiên họp Tòa án đã kịp thời gửi ngay quyết định cho người bị áp dụng, Công an quận; Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội; các cơ quan, tổ chức có liên quan để thi hành.
Hội nghị chuyên đề do TAND quận 4 tổ chức
Thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là chính quyền địa phương đã rất quan tâm đến các cơ quan chức năng tham gia đề án đưa người nghiện không có nơi cư trú vào các cơ sở để cắt cơn, giải độc, chữa bệnh, trong đó có TAND quận 4. Tòa án đã chủ động trao đổi với Phòng Tư pháp, Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội, Công an các phường đối với từng vụ việc cụ thể khi đang thực hiện ở tất cả các giai đoạn mà các cơ quan đang thực hiện, đáp ứng được những việc cần giải quyết ngay, không để phải trả hồ sơ bổ sung những nội dung không cần thiết, để các vụ việc được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, do là loại việc mới mà Tòa án được trao thẩm quyền giải quyết nên trong quá trình áp dụng không thể tránh những sai sót và vướng mắc về biểu mẫu, trình tự thủ tục và các tình huống xảy ra trong thực tiễn. Quãng đường từ trụ sở của cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan đề nghị với Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 là quá xa nên việc đi lại tống đạt và thực hiện các công tác chuyên môn khó khăn. Mặt khác, các thủ tục tống đạt nhiều và phải đi nhiều lần. Thời gian giải quyết ngắn trong khi Tòa án phải thực hiện nhiều thủ tục. Thẩm phán, Thư ký phải tập trung cao độ để giải quyết vụ việc được nhanh chóng bảo đảm thời gian và cũng là đảm bảo quyền của đương sự, điều này tạo áp lực không nhỏ cho Thẩm phán và Thư ký Tòa án.
Nhiều bất cập về quy định
Trong quá trình thực hiện, TAND và các cơ quan liên quan đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại điểm b Khoản 1 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Chủ tịch UBND cấp xã là cơ quan lập hồ sơ; Điểm c khoản 1 thì Công an cấp xã giúp Chủ tịch UBND cùng cấp thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị. Như vậy, có thể hiểu là trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị là Chủ tịch UBND cấp xã, còn Công an cấp xã chỉ giúp cho Chủ tịch UBND cùng cấp lập hồ sơ. Tuy nhiên khoản 1 Điều 8 Nghị định 221/2013/NĐ-CP thì cơ quan lập hồ sơ được hiểu là Công an cấp xã nên đề nghị cần sửa lại Nghị định 221 cho đúng với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính là để đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh, tuy nhiên tại Điểm c khoản 2 Điều 3 thì khi quyết định thời hạn phải căn cứ vào “tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”. Như vậy, quy định là không phù hợp mà cần chú trọng đến tình trạng nghiện của người nghiện nên khi ghi kết quả nghiện cơ quan chuyên môn cần ghi cụ thể tình trạng nghiện của người bị đề nghị như thế nào để Tòa án căn cứ quyết định thời hạn. Còn việc xác định nhân thân là việc cực kỳ khó khăn, phức tạp mất rất nhiều thời gian cho cơ quan lập hồ sơ đề nghị. Xác định nhân thân của người nghiện và tiền án, tiền sự đối với người nghiện chưa được đảm bảo do việc lưu trữ thông tin trong tàng thư của PC53 Công an TP.HCM còn nhiều. Xác minh nơi cư trú của người nghiện còn sơ sài, không đúng quy định và chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan lập hồ sơ. Thậm chí, có hồ sơ còn lưu bản xác minh qua điện thoại và lưu trong hồ sơ.
Từ thực tiễn trên, TAND quận 4 kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét hoàn thiện quy định để việc áp dụng được thống nhất, dễ dàng. Ngoài ra, đề xuất cần có biên bản giao nhận hồ sơ giữa các cơ quan liên quan để tránh thất lạc tài liệu, đồng thời đề nghị TANDTC đưa các vụ việc này vào thống kê để tính số liệu giải quyết cho Thẩm phán.