Ngày 30/5, Uganda thông báo rằng Tổng thống Yoweri Museveni đã ký thành luật các biện pháp hà khắc mới chống lại những người đồng tính khiến các nhóm nhân quyền và LGBTQ cũng như các nước phương Tây lên án.
Các hình phạt đối với "hành vi đồng tính", trong đó những người tái phạm có thể phải đối mặt với án tử hình, được mô tả là một trong những biện pháp chống lại những người đồng tính hà khắc nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi bãi bỏ ngay lập tức các điều luật mà ông chỉ trích là "sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người cơ bản", đồng thời đe dọa cắt các khoản viện trợ và đầu tư vào quốc gia Đông Phi này.
Văn phòng của Tổng thống Museveni cho biết Dự luật về đồng tính 2023 nằm trong số 6 điều luật mà Tổng thống đã ký vào Chủ nhật (28/5).
Các nhà lập pháp thông qua dự thảo luật về đồng tính vào đầu tháng này, đã cam kết sẽ chống lại những gì họ gọi là “sự can thiệp từ bên ngoài vào nỗ lực bảo vệ các giá trị của Uganda khỏi sự vô đạo đức của phương Tây”.
Theo dự luật, việc thừa nhận là người đồng tính sẽ không bị hình sự hóa nhưng "thực hiện các hành vi đồng tính luyến ái" sẽ là một hành vi phạm tội có thể bị phạt tù chung thân.
Mặc dù Tổng thống Museveni đã khuyên các nhà lập pháp xóa bỏ hình phạt tử hình, nhưng các nhà lập pháp đã bác bỏ động thái đó. Theo luật này, những người tái phạm có thể bị kết án tử hình, mặc dù Uganda đã không thi hành án tử hình trong vài năm.
Một nhóm nhân quyền đã đệ trình đơn lên Tòa án tối cao của Uganda, cho rằng luật này “vi hiến một cách trắng trợn”.
“Bằng cách hình sự hóa cái mà chúng tôi gọi là hoạt động đồng giới đồng thuận giữa những người trưởng thành, luật này đã đi ngược lại các điều khoản chính của hiến pháp bao gồm các quyền về bình đẳng và không phân biệt đối xử”, Adrian Jjuuko, Giám đốc điều hành Diễn đàn thúc đẩy và nhận thức về nhân quyền cho biết.
Tổng thống Mỹ Biden cho biết, ông đã yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia đánh giá ý nghĩa của luật này đối với “tất cả các khía cạnh trong cam kết của Mỹ với Uganda”, bao gồm các dịch vụ cung cấp cứu trợ Aids cũng như các khoản viện trợ và đầu tư khác.
Ông cho biết chính quyền cũng sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với Uganda và hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với những người vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng ở Uganda.
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết, Chính phủ Uganda có “nghĩa vụ bảo vệ tất cả công dân của mình và duy trì các quyền cơ bản của họ”.
Ông cảnh báo trong một tuyên bố: “Việc không bảo về quyền cơ bản của người dân sẽ làm suy yếu mối quan hệ của Uganda với các đối tác quốc tế".
Nước Anh, dù là nước đã từng hình sự hóa đồng tính luyến ái trong thời gian cai trị Uganda, đã rất "kinh hoàng" và gọi luật này là "sự phân biệt đối xử sâu sắc". “Nó sẽ làm tăng nguy cơ bạo lực, phân biệt đối xử và ngược đãi, sẽ cản trở cuộc chiến chống lại HIV/Aids”, Bộ trưởng Bộ Phát triển và châu Phi của Anh Andrew Mitchell cho biết.
Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc, tổ chức hồi tháng 3 đã mô tả dự luật là “một trong những điều tồi tệ nhất trên thế giới”, cũng lên án việc thông qua luật này.
Ashwanee Budoo-Scholtz, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền châu Phi, cho biết, đó là "sự phân biệt đối xử và là một bước đi sai hướng trong việc bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người ở Uganda".
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cho biết việc ký kết "đạo luật đàn áp sâu sắc này là một cuộc tấn công nghiêm trọng vào nhân quyền".
Tuy nhiên, luật này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng ở Uganda, quốc gia có đa số người theo đạo Cơ đốc đã theo đuổi một số luật chống đồng tính cứng rắn nhất ở châu Phi, nơi có khoảng 30 quốc gia cấm đồng tính.
Theo tuyên bố của Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS, Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét và Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Mỹ, dự luật này cũng có nguy cơ làm suy yếu tiến trình loại bỏ HIV/Aids ở Uganda.