Quốc hội thông qua Nghị quyết về thi hành phán quyết theo EVIPA và Luật Ban hành VBQPPL

Mai Thoa| 18/06/2020 08:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Ban hành VBQPPL.

TANDTC hướng dẫn thi hành khoản 2 và 3 Điều 2 Nghị quyết về EVIPA

Theo đó, Nghị quyết này quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành  theo quy định tại Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu được ký ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thi hành phán quyết theo EVIPA và Luật Ban hành VBQPPL

Kết quả biểu quyết 

Phán quyết được ban hành trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài.

Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, làm tại New York, ngày 10/6/1958  để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.

Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh Châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam.

Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.

Phán quyết theo quy định tại Điều này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Nghị quyết quy định: TANDTC hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này; Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời cho TANDTC thời điểm kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.

Bổ sung thẩm quyền ban hành thông tư liên tịch của Chánh án TANDTC

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thi hành phán quyết theo EVIPA và Luật Ban hành VBQPPL

Theo đó, cề sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật quy định:

Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải đồng thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới đó; trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.

Về Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sửa đổi, bổ sung theo hướng: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được luật giao hoặc hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Đáng chú ý, Điều 25 Thông tư liên tịch giữa Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được sửa đổi, bổ sung như sau:

Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp của các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục về tố tụng và phòng, chống tham nhũng.

Với tỷ lệ 449/457 đại biểu có mặt tán thành (đạt tỷ lệ 92,96%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Nghị quyết về thi hành phán quyết theo EVIPA và Luật Ban hành VBQPPL