Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định Thương mại EVIPA sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong Khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA
Ngày 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật
Trình bày Tờ trìn), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, những nội dung về bảo hộ, tự do hóa đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư đã được đàm phán như một phần của Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu ÂU (EU) từ năm 2012.
Tuy nhiên, sau đó nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuản các FTA giữa EU và từng nước thành viên nên EU đề xuất tác Hiệp định tự do thương mại tự do giữa Việt Nam-EU thành 02 Hiệp định riêng biệt gồm: Hiệp định Thương mại tự do EVFTA quy định các vấn đề thương mại và toàn bộ nội dung về tự do hóa đầu tư trực tiếp đã được hai bên thống nhất trước đây và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA gồm các quy định bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 04 chương, 92 điều và 13 phụ lục.
Hiệp định EVIPA vừa tạo cơ hội vừa đặt ra thách đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật
Về tác động của hiệp định, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, Hiệp định EVIPA quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc.
Đây là những nguyên tắc phù hợp với mục tiêu được các bên thỏa thuận theo Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA).
Việc thực thi hiệp định góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU; đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên.
Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVIPA sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch, thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Cùng với cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định EVFTA, việc thực thi hiệp định sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực EU có tiềm năng và thế mạnh như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính…
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn; đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch; không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả tranh chấp; xây dựng, hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm phòng ngừa tranh chấp.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ với các nội dung nêu trên, căn cứ quy định tại Khoản 14 Điều 70 Hiến pháp, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Tại Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu, về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định EVIPA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, về phía Liên minh châu Âu, Hiệp định EVIPA phải được cả Nghị viện châu Âu và từng Nghị viện của 27 nước thành viên phê chuẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA
Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA. Đến nay, Cộng hòa Hungary và Cộng hòa Czech đã hoàn thành phê chuẩn hiệp định.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Ngoại giao, việc phê chuẩn của các nước thành viên khác dự kiến với thời gian không dưới 2 năm.
Về phía Việt Nam, theo quy định tại Điều 29 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Hiệp định EVIPA thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội. Hầu hết ý kiến tán thành sự cần thiết trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA cùng thời điểm với Hiệp định EVFTA.
Việc tham gia Hiệp định EVIPA phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA đồng thời với Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ tăng sự tin cậy; tạo tiền đề quan trọng để các nước thành viên EU sớm hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định EVIPA có hiệu lực.
Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định EVIPA cũng có một số thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên quốc tế, doanh nghiệp để đáp ứng xử lý các tranh chấp đầu tư theo hiệp định.
Một số ý kiến cho rằng Quốc hội cần phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA; coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại Quốc hội trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVIPA trong khi việc phê chuẩn của các nước thành viên EU có thể kéo dài; do vậy cần tập trung phối hợp, có những giải pháp thúc đẩy các nước phê chuẩn để đưa hiệp định sớm phát huy tác dụng.
Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA bảo đảm quy định tại Điều 31 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 về hồ sơ trình phê chuẩn điều ước quốc tế.
Một số ý kiến cho rằng cần bổ sung đánh giá tác động của Hiệp định EVIPA đối với Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu; đánh giá tác động tiêu cực nhằm tạo sự thống nhất nhận thức đối với doanh nghiệp, người dân để chủ động thích nghi trong mọi tình huống, nhất là áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Về tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Hiệp định EVIPA với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, đa số ý kiến nhất trí với nội dung Tờ trình của Chủ tịch nước. Quy định của Hiệp định EVIPA không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013, cơ bản phù hợp với pháp luật Việt Nam và thống nhất qua rà soát hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam chưa quy định công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư thành lập theo Hiệp định EVIPA để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư của một bên và bên kia.
Về hình thức áp dụng, đa số ý kiến nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước và Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về việc công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp tại các Khoản 2, 3, 4, 5 của Điều 3.57, Chương III của hiệp định về việc thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đồng thời với việc phê chuẩn hiệp định và áp dụng trực tiếp các quy định còn lại đã đủ rõ, đủ chi tiết và phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVIPA và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA theo quy trình một phiên họp tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Quốc hội tăng cường hợp tác nghị viện với các nước thành viên EU để thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Chính phủ có nhiệm vụ chỉ đạo bộ, ngành liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn; theo dõi thời điểm có hiệu lực của hiệp định; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện hiệp định; xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân trước khi hiệp định có hiệu lực; có chính sách hỗ trợ để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để đáp ứng xử lý các tranh chấp phát sinh theo khuôn khổ hiệp định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia…