Quốc hội thông qua Luật Tố cáo với hơn 96% đại biểu tán thành

Ngọc Mai| 12/06/2018 17:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với tỷ lệ 96,1% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi) vào sáng nay (12/6) tại Kỳ họp thứ 5.

Quốc hội thông qua Luật Tố cáo với hơn 96% đại biểu tán thành

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Luật Tố cao với 96,1% đại biểu tán thành

Với 9 chương, 67 điều, Luật Tố cáo quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Luật quy định nguyên tắc là việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của luật là: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo; tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo; không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết tố cáo; đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo; bao che người bị tố cáo; cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo…

Về trình tự giải quyết tố cáo, theo Luật gồm: Thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Luật cũng quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm. Theo đó, về  khen thưởng, theo Luật thì người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Về xử lý hành vi vi phạm của người giải quyết tố cáo, Luật nêu rõ, người giải quyết tố cáo có hành vi quy định tại Điều 8 (những hành vi bị nghiêm cấm) của Luật hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết tố cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Về hình thức tố cáo, Luật quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Liên quan vấn đề này Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật cho biết, đa số ý kiến đề nghị giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại… Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành.

Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật (Điều 25 của dự thảo Luật).

Liên quan đến bảo vệ người tố cáo, Luật quy định: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Tố cáo đã được thụ lý, đang xem xét và chưa có kết luận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo số 03/2011/QH13.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Tố cáo với hơn 96% đại biểu tán thành