Quốc hội thông qua Luật Thư viện với 91,51% đại biểu tán thành

Ngọc Mai| 21/11/2019 16:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 21/11, với tỷ lệ 91,51% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện.

Phiên họp Quốc hội được diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Trước đó, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thư viện.

Theo đó, Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Quốc hội thông qua Luật Thư viện với 91,51% đại biểu tán thành

Theo kết quả biểu quyết, 91,51% đại biểu tán thành thông qua Luật Thư viện

Liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật nhằm bảo đảm hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện; nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước đầu tư với các thư viện khác, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Do đó, Luật Thư viện đã quy định cụ thể về liên thông thư viện trong hoạt động thư viện. Theo đó, Điều 5 quy định trách nhiệm Nhà nước đầu tư cho hoạt động liên thông; khoản 4, Điều 24 quy định thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập; Chương III Luật quy định về xây dựng tài nguyên thông tin, phát triển thư viện số làm cơ sở cho việc liên thông; khoản 3, Điều 29 quy định về cơ chế liên thông, trong đó điểm a và c, khoản 3, Điều 29 nhấn mạnh, tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện; quy định thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư làm nòng cốt trong hoạt động liên thông. Điểm c, khoản 2, Điều 48 Luật quy định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện liên thông thư viện; khoản 5, Điều 46 Luật quy định trách nhiệm tổ chức liên thông thư viện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện.

Điều 5 Luật Thư viện quy định cụ thể chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện. Theo đó, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập các nội dung sau: ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện.

Luật cũng quy định Nhà nước hỗ trợ đầu tư các nội dung sau: cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; hợp tác quốc tế về thư viện.

Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều này.

Liên quan đến Điều 15, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể các mô hình thư viện cơ sở giáo dục; bổ sung quy định thư viện cơ sở giáo dục phổ thông có nhiệm vụ “tổ chức hoạt động đọc sách bắt buộc”.

Ông Phan Thanh Bình cho biết, ý kiến đại biểu về vấn đề này là xác đáng. Hiện nay, tổ chức và hoạt động thư viện tại các cơ sở giáo dục phổ thông ở nhiều địa phương rất đa dạng, phong phú, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong học sinh. Trên thực tế, hoạt động này phụ thuộc vào quản lý cụ thể tại cơ sở, cần được hướng dẫn thống nhất nhằm phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, những nội dung này liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông, thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT), cơ sở giáo dục, người dạy trong các cơ sở giáo dục. Dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân này tại khoản 11 Điều 45, khoản 3 Điều 47, khoản 2 Điều 49, làm cơ sở để Bộ GDĐT hướng dẫn phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi của Luật. Do vậy, UBTVQH xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Thư viện với 91,51% đại biểu tán thành