Sáng 12/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với với tỉ lệ tán thành cao (83,5%).
Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, Luật đã chính thức được thông qua.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là dự luật đầu tiên được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV. Sau khi được tiếp thu và chỉnh lý, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm 4 chương và 35 điều.
Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Luật hỗ trợ DNNVV đã chính thức được Quốc hội thông qua vào sáng 12/6
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án này trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo luật mới nhất đã tiếp thu một số ý kiến của đại biểu.
Chẳng hạn, có ý kiến đề nghị không nên bình quân dàn đều giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ với doanh nghiệp vừa vì có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô. Cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ bao gồm cả hộ kinh doanh với quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng doanh thu và từ 20 - 30 lao động trở xuống.
Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, định hướng của dự thảo luật là hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. Bên cạnh những hỗ trợ chung, dự thảo luật đã có một số quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ. Các hỗ trợ cụ thể về thuế sẽ trình Quốc hội khi sửa đổi các luật thuế và dự kiến doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức hỗ trợ thuế cao hơn.
Liên quan đến ý kiến cho rằng hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại dự thảo luật còn chung chung, khó có thể xác định cụ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ những gì, đơn vị nào hỗ trợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và báo cáo, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 có quy định cụ thể một số chính sách hỗ trợ tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, luật cũng đã bổ sung một số quy định nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách. Cụ thể như khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thành các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, chuỗi phân phối sản phẩm, công nhận địa vị pháp lý của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân…