Sáng nay (25/11), với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) với một số thay đổi so với dự thảo trình Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Theo đó, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) sửa đổi sẽ có 42 chương, 517 điều. Điểm đáng chú ý trong Bộ luật này là quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là một trong những điểm mới quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, khắc phục một số bất cập trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay.
Cụ thể, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLTTDS (sửa đổi) do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày, ngày 26/10/2015, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án BLTTDS năm 2015. UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với TANDTC và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Bộ luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong dự thảo Luật này, các đại biểu đã cho ý kiến về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (tại các Điều 4, 43, 44 và 45) với đa số ý kiến nhất trí với dự thảo BLTTDS là Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên tắc, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, nên quy định giao cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết hoặc giao cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn giải quyết vụ việc dân sự này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn mới quyết định có đưa vào Bộ luật này hay không để bảo đảm tính khả thi, tránh sự lạm dụng tùy tiện của người khởi kiện.
Về nội dung này, UBTVQH cho biết: Việc xác định Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật cần căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và BLTTDS. Trong số vụ việc dân sự mới phát sinh có vụ việc đơn giản, có vụ việc phức tạp, có yếu tố nước ngoài, do đó quy định nguyên tắc chung như Điều 43 của dự thảo Bộ luật là phù hợp “Thẩm quyền của Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 35 đến Điều 41 của Bộ luật này”.
Về trách nhiệm Tòa án bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của đương sự (Điều 48), nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định Tòa án có trách nhiệm liên hệ với trung tâm trợ giúp pháp lý để giúp đương sự trong trường hợp đương sự được trợ giúp pháp lý. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, UBTVQH cho rằng, không nên quy định Tòa án có trách nhiệm thông báo cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý về các trường hợp được trợ giúp pháp lý mà chỉ quy định: Thẩm phán có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho các đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý là phù hợp. Nội dung này được thể hiện tại khoản 6 Điều 48 của dự thảo Bộ luật…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sau khi chỉnh lý, dự thảo BLTTDS (sửa đổi) gồm có 42 chương 517 điều. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo BLTTDS, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 46 về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; Điều 75 về người bảo vệ quyền và bảo vệ hợp pháp của đương sự; Điều 417 về điều kiện công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án.
Liên quan đến vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự có hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất chiếm số đông cho rằng, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng. Ý kiến thứ hai của một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, trong tố tụng dân sự VKSND không thực hiện quyền công tố, mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng.
Vấn đề này theo UBTVQH, việc xác định vị trí của VKSND trong tố tụng dân sự là nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp tiến hành xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Kết quả có 233 vị đại biểu Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất, (55,7%); có 185 vị đại biểu Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ hai, (44,3%). Vì vậy, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất của đại biểu Quốc hội.
Với 438/442 đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo BLTTDS (đạt tỷ lệ 88,66% tổng số đại biểu Quốc hội). Sau khi Bộ luật này được thông qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành BLTTDS. Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
Cũng tại phiên họp sáng nay, 448/450 đại biểu Quốc hội có mặt bấm nút thông qua (đạt tỷ lệ 90,69% tổng số đại biểu Quốc hội) Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Sau khi Luật này được thông qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính.
Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cũng có một số nội dung đáng chú ý. Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) quy định TAND có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của một số hành vi trong nội bộ tổ chức cơ quan, đơn vị như: hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Tuy quy định Tòa án không can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý, điều hành của nội bộ cơ quan, đơn vị, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền hạn của công dân. Do đó, UBTVQH quyết định chỉnh sửa bổ sung nội dung này theo hướng TAND có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với người giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng hoặc chức vụ tương đương trở lên.
Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử (Điều 18, Điều 98, các điều 136, 137 và 138, Mục 3 Chương XI, Mục 3 Chương XIII, các điều 267 và 270). Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về tranh tụng trong xét xử vụ án hành chính. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thể hiện cụ thể hơn trình tự tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm để bảo đảm tính khả thi.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý các quy định về tranh tụng trong tố tụng hành chính tại Điều 18 (bảo đảm tranh tụng trong xét xử), Điều 98 (quyền tiếp cận, trao đổi chứng cứ), các điều 136, 137 và 138 (phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và đối thoại), Mục 3 Chương XI (tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm), Mục 3 Chương XIII (tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm). Việc tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn được thực hiện như đối với phiên tòa thông thường. Trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án triệu tập đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa để trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm yêu cầu. Các nội dung này đã được tiếp thu, chỉnh lý như quy định tại khoản 2 Điều 267, Điều 270 của dự thảo Luật.
Quy định phân định thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 31, Điều 32) có 2 luồng ý kiến. Một số ý kiến đề nghị giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ý kiến khác đề nghị giao cho TAND cấp huyện giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Kết quả có 279 vị đại biểu Quốc hội (67,7%) tán thành với loại ý kiến thứ nhất; có 126 vị đại biểu Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ 2 (30,6%). Vì vậy, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thể hiện tại Điều 32 của dự thảo Luật. Khoản 8 “Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện quy định tại Điều 31 của Luật này”.
Luật Tố tụng Hành chính sửa đổi này có 23 chương với 372 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 1 năm 2017.