Hôm nay (19/11), Quốc hội thảo luận 3 dự án luật: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư và nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Phiên họp ngày 18/11 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV
Trước đó ngày 18/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 21 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Buổi sáng,
Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều: Thảo luận tại Tổ, các đại biểu cơ bản thống nhất về: sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế; về phạm vi sửa đổi của dự án Luật.
Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, các đại biểu nhất trí bổ sung quy định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương; quy định chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho phòng, chống thiên tai; quy định trách nhiệm của Ban chỉ đạo trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp về phòng, chống thiên tai; quy định thống nhất vị trí, vai trò của lực lượng dân quân tự vệ trong dự thảo Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Quốc phòng hiện hành; quy định về việc dự báo, xây dựng các phương án diễn tập để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ đánh giá các hoạt động gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, một số đại biểu đã cho ý kiến về: việc sử dụng bãi sông, lòng sông, bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; việc xử lý công trình nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều; việc xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều…
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, thảo luận tại Tổ, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật; việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế; tính khả thi của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số vấn đề như: Việc phân loại, cấp công trình, dự án đầu tư xây dựng; về dự án đầu tư xây dựng đô thị; việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự đô thị; về xây dựng công trình cấp bách và quản lý năng lực của các đơn vị xây dựng; về chất lượng công trình xây dựng; quy định cụ thể về trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng nhằm tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; về trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, nhất là cấp xã, phường trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng…
Buổi chiều
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Quốc hội đã nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết, kết quả như sau: có 434 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89,86%); trong đó, có 432 đại biểu tán thành (bằng 89,44%).
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội họp riêng, thảo luận ở Hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.