Quốc hội sẽ dành 6,5 ngày làm công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 11

Quốc Huy| 23/02/2021 14:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 23/2, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

phien-hop-53.jpg

Cần làm rõ một số nội dung liên quan đến chính sách

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Bộ trưởng cho biết, quán triệt phương châm “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân”; kế thừa kinh nghiệm quản lý điều hành từ các nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; hàng năm đều đề ra phương châm hành động, quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn, không ngừng đổi mới mạnh mẽ, kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Đảng, Quốc hội đề ra.

Trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xa hội, bảo đảm đời sống Nhân dân; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện “bình thường mới”.

Nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020 nhưng với sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự đóng góp to lớn của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong đó, năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng năm 2020, mặc dù gặp tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ nhưng đã hoàn thành 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 như đã nêu trên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đề nghị bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung như các tồn tại, hạn chế trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật; những kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam; phân tích, làm rõ thêm một số nội dung như về công tác điều hành của Chính phủ trong thực hiện 03 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế;

Việc chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược; tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch; việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông; cơ cấu thu ngân sách nhà nước; kết quả phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước... Đánh giá toàn diện hơn về kết quả thực hiện các chương trình, đề án nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo căn cứ vào các định hướng trong Nghị quyết của Đảng và yêu cầu của tình hình phát triển đất nước; làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa…

dung-ubtv.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để rút ra những mô hình, cách làm sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, đúc kết bổ sung thành bài học kinh nghiệm cũng như để làm rõ hơn phương hướng, nhiệm vụ cho Chính phủ nhiệm kỳ tới.

Dành 6,5 ngày cho công tác nhân sự

UBTVQH cũng đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, theo dự kiến khai mạc vào ngày 24/3 và bế mạc vào ngày 7/4.

Nội dung kỳ họp tập trung thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội; xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, TANDTC, Viện KSNDTC, Kiểm toán nhà nước trong 2,5 ngày. Thời gian còn lại, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác, trong đó 6,5 ngày dành cho công tác nhân sự.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, các nội dung liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy, bầu cử, kinh nghiệm làm trong mấy khóa cho thấy đã làm rất khẩn trương, khoa học. Đây là khóa đầu tiên mà các đồng chí chủ chốt của Quốc hội nghỉ cả, đề nghị chúng ta kiện toàn đảm bảo số lượng của UBTVQH để họp.

Phó Chủ tịch nhấn mạnh, đây là kỳ họp rất quan trọng, chuẩn bị chuyển giao công tác nhân sự, tập trung cao cho kiện toàn một số chức danh của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ khoá XIV. Do đó, một số nội dung khác nếu “chưa chín”, cần thảo luận thêm và thời gian còn dài thì nên để lại khoá sau tiếp tục xem xét, quyết định. Vì vậy, bầu xong có hiệu lực, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội có quyền ký các văn bản.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, với vị trí yêu cầu người giữ chức vụ phải là đại biểu Quốc hội thì các đồng chí đương nhiệm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi bầu ra Quốc hội khoá XV.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết chưa bổ sung vào chương trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón mà để lại Quốc hội khoá XV xem xét nội dung này. Nghị quyết chung của Quốc hội sẽ bổ sung nội dung về số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND TP Hà Nội.

phong-tt.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng 

Về công tác giám sát, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ có báo cáo về những công việc đã triển khai và sẽ phân công một thành viên trình bày trước Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh bộ máy nhà nước nhà nước. Nội dung cụ thể về nhân sự, chiều 24/3 Đảng đoàn Quốc hội họp, sau đó báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến. Tuy vậy, những người không còn giữ chức vụ vẫn thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội cho tới khi Quốc hội khoá mới được bầu ra. Công việc rất cần thiết, các thành viên của UBTVQH căn cứ vào công việc còn lại của mình chuẩn bị cho chu đáo, gọn ghẽ để khi bàn giao bảo đảm sự tiếp nối như dòng chảy liên tục.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, những chức danh Quốc hội bầu, đã thông qua nghị quyết là có hiệu lực ngay và người đó tiếp nhận công việc ngay. Chủ tịch mới bầu rồi, tuyên thệ rồi là lên vị trí điều hành. Những người mới thay người cũ vẫn là ĐBQH cho đến khi bầu ĐBQH mới, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội sẽ dành 6,5 ngày làm công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 11