Với 447/450 Đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,16%) sáng 8/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, theo Nghị quyết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
Kết quả biểu quyết
Để hoàn thành mục tiêu tổng quát và 12 chỉ tiêu chủ yếu nêu trên, Nghị quyết đã nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2019. Đó là, tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời; Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án giao thông, công nghiệp trọng điểm, có sức lan tỏa cao...
Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phải tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...
Đặc biệt, cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các thành phố lớn; Bảo đảm an sinh xã hội; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về khám bệnh, chữa bệnh, dự phòng và nâng cao sức khỏe người dân. Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng; quản lý phòng khám tư nhân, thuốc, phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, cần triển khai đúng hạn Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trong việc in, phát hành, sử dụng sách giáo khoa để chống độc quyền, tránh lãng phí. Tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Tiếp tục xử lý căn cơ vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, hiệu quả, chất lượng…
Thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết vấn đề ngay từ khi mới phát sinh. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến yêu cầu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới. Kiên định mục tiêu đổi mới thể chế là đột phá quan trọng, tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, Nghị quyết của Quốc hội cũng đề nghị hoàn thiện các điều kiện cần thiết và xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đẩy mạnh vận động sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).