Quốc hội cần những đại biểu có đủ năng lực và bản lĩnh

Mai Thoa- Hải Lý| 13/05/2021 11:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, Hà Nội công bố danh sách người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Cường cũng là ĐBQH khóa XIV những đã quá tuổi quy định để được cơ quan giới thiệu ứng cử.

qh-14(1).jpg
Quốc hội khóa XIV

GS.TS Hoàng Văn Cường đã có nhứng chia sẻ với Báo điện tử Công lý xung quanh vấn đề liên quan đến công tác bầu cử, ứng cử sắp tới.

Quy trình ứng cử khóa XV có gì khác biệt?

PV: Được biết, nhiệm kỳ này ông là một trong số 9 ứng cử viên tự ứng cử ĐBQH. Ông có thể chia sẻ lý do nào khiến ông mong muốn tiếp tục là ĐBQH không?

GS.TS, ĐBQH khóa XIV Hoàng Văn Cường: Sau một nhiệm kỳ tham gia Quốc hội khóa XIV, tôi không chỉ học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu trong hoạt động nghị trường, mà còn chắt lọc được nhiều tinh túy từ những ý kiến người dân, của nhiều nhà khoa học, người dân đã gửi tin nhắn, gửi thông tin đến để tôi lĩnh hội, chuyển tải đến diễn đàn Quốc hội.

Tôi rất vui khi những ý kiến phát biểu, đóng góp của mình được các cơ quan của Quốc hội lắng nghe, vì có nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý theo các nội dung góp ý. Qua những phát biểu ở nghị trường, vào những giờ giải lao, gặp gỡ trao đổi bên hành lang nghị trường, nhiều đồng chí lãnh đạo đã trao đổi, động viên thể hiện sự quan tâm đến các nội dung tôi phát biểu. Điều này cho tôi thấy những ý kiến của mình có ý nghĩa, đóng góp cho Quốc hội và cho đất nước.

Khi đi tiếp xúc, gặp gỡ cử tri, tôi rất xúc động khi có nhiều cử tri có những nhận xét đánh giá khích lệ tôi nên tái cử, nên tiếp tục tham gia đóng góp cho Quốc hội. Nói thật về cá nhân tôi đã có trải nghiệm được làm đại biểu Quốc hội một nhiệm kỳ, tuổi cũng không còn trẻ, không có mưu cầu gì ngoài mong muốn được cống hiến tri thức, hiểu biết của mình đóng góp cho xã hội. Những lời động viên, kỳ vọng của cử tri về khả năng đóng góp của bản thân là động lực thôi thúc, khiến tôi thêm quyết tâm hăng hái để tham gia tiếp.

Theo quy định, để được cơ quan giới thiệu đối với nam giới phải sinh sau tháng 8/1963, trong khi tôi lại sinh vào tháng 1/1963, nên mọi người đã động viên tôi tự ứng cử.

PV: Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, ông có ý tưởng gì để các ứng cử viên có thể thực hiện quyền vận động bầu cử tốt hơn không? Ông có tự tin mình sẽ trúng cử không?

GS.TS, ĐBQH khóa XIV Hoàng Văn Cường: Có nhiều phương thức vận động bầu cử để chuyển tải thông tin về ứng cử viên đến người dân và cử tri, không nên coi nhẹ phương thức nào. Điều quan trọng là làm thế nào để thông tin về người ứng cử được truyền thông đến người dân và cử tri một cách đầy đủ, trung thực, khách quan nhất. Đặc biệt, cần cung cấp đầy đủ những đóng góp của ứng cử viên trong việc đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của những người đã bầu chọn ra mình là đại diện ở mỗi vị trí công tác… chứ không chỉ đơn thuần là bản lý lịch trích ngang tóm tắt các thông tin mỗi về chức vụ và vị trí đã đảm nhiệm.

Tôi cho rằng, việc tổ chức vận động bầu cử không phải đơn thuần là việc của ứng cử viên, mà đây là công việc chính của các cơ quan, tổ chức bầu cử để người dân quan tâm, hiểu rõ hoạt động bầu cử, nắm bắt đầy đủ thông tin về các ứng cử viên, nhất là được đối thoại trực tiếp với từng ứng cử viên để đánh giá về năng lực của ứng viên và tính thực tế khả thi của chương trình hành động.

Theo tôi, nên tổ chức nhiều buổi tiếp tiếp xúc giữa các ứng cử viên với cử tri theo từng địa bàn nhỏ vì đây là cuộc sát hạch trực tiếp của cử tri với ứng cử viên. Cách tổ chức buổi tiếp xúc cử tri nên như một buổi đối thoại, người chủ trì cần đặt ra các câu hỏi, cử tri cần chất vấn với ứng cử viên. Từ đó giúp cử tri đánh giá thông qua phép thử năng lực đối thoại chất vấn của ứng cử viên, không nên chỉ đọc bài trình bày đã chuẩn bị sẵn, rồi hỏi 1-2 câu hình thức, thì cử tri nghe xong rồi cũng dễ quên…

Các phương tiện thông tin đại chúng là kênh truyền tải thông tin về hoạt động của ứng cử viên, nhất là đối với những người đã từng tham gia Quốc hội, HĐND các cấp thì thông tin về nhiệm kỳ qua họ đã đóng góp được những gì, để cử tri có căn cứ lựa chọn.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nếu có thể tổ chức hội nghị trực tuyến cũng rất tốt, nhưng cũng không thể lạm dụng thay cho đối thoại gặp gỡ trực tiếp. Trao đổi thông tin trên mạng xã hội cũng là một kênh thông tin rất hữu dụng và phổ biến, nhưng phải quản trị và sàng lọc thông tin tốt, tránh các thông tin không có độ tin cậy.

Nghị trường là nơi cần những đại biểu bản lĩnh, trí tuệ

PV: Từ thực tiễn hoạt động ĐBQH khóa XIV, theo ông, ngoài những tiêu chuẩn “cứng” theo luật định, ĐBQH còn cần có những thế mạnh cần thiết nào để hoàn thành tốt vai trò của mình?

hoang-cuong.jpg
ĐBQH khóa XIV Hoàng Văn Cường

GS.TS, ĐBQH khóa XIV Hoàng Văn Cường: Từ trải nghiệm của mình, tôi thấy rằng những tiêu chuẩn, điều kiện theo luật mới là điều kiện cần để làm ĐBQH, còn để thật sự “tròn vai” được thì người đại biểu phải đủ trí tuệ, trình độ, phải có khả năng để khi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri, quan sát những vấn đề của cuộc sống, có thể tổng hợp, khái quát được thành vấn đề chung của quốc gia, của xã hội. Từ đó phải chỉ ra được những bất cập xuất phát từ đâu, thuộc trách nhiệm giải quyết của ai và phải làm những gì để giải quyết được những vấn đề cử tri đặt ra. Đó là nội dung để chất vấn, để giám sát, góp ý khi xây dựng luật và là cơ sở để đưa ra các quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Nếu không có đủ trình độ và năng lực tổng hợp, thì ĐBQH chỉ nêu được các vụ việc một cách nhỏ lẻ, vụn vặt, đi nói lại ý kiến của người khác… không đủ khả năng nên ai nói cái gì cũng gật, không đủ trình độ nên ngồi im không biết nói gì.

Quốc hội là nơi có môi trường dân chủ, các đại biểu là bình đẳng như nhau, không có tính chất chỉ đạo cấp trên cấp dưới, nên đại biểu Quốc hội phải là người có đủ năng lực và bản lĩnh để thể hiện chính kiến của mình, phản ánh đúng ý chí nguyên vọng của cử tri, không e ngại bất cứ ràng buộc nào trong quan hệ công tác. Vì vậy, đại biểu Quốc hội không nên có nhiều đại diện từ cơ quan hành pháp, vì anh vừa thực thi, vừa giám sát thì rất khó, nếu phát biểu lại phải nghĩ cơ quan thế này, thế kia.

Để thực sự là người đại diện cho tiếng nói, ý chí, tâm tư nguyện vọng của cử tri thì ĐBQH không chỉ có bản lĩnh mà phải có đủ trình độ để lập luận chất vấn những cơ quan nhà nước, có đủ lý lẽ khoa học để đóng góp các ý tưởng tốt cho phát triển đất nước, đủ lý lẽ để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Đừng nghĩ câu vì dân vì nước là khẩu hiệu sáo rỗng, mà thực người ĐBQH phải là người có khả năng đóng góp được các ý tưởng hữu ích cho phát triển đất nước, phải là người có bản lĩnh và năng lực để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

PV: Sau 1 nhiệm kỳ làm ĐBQH, hẳn là còn nhiều mong muốn được đóng góp trong vai trò đại biểu nên ông mới tự ứng cử, vậy ông có thể chia sẻ về những dự định, chương trình sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ mới nếu tiếp tục được cử tri tín nhiệm?

GS.TS, ĐBQH khóa XIV Hoàng Văn Cường: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, với tư cách là Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách, tôi đã có nhiều cơ hội đóng góp các kiến thức về khoa học kinh tế của bản thân cũng như các nhà khoa học vào công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề về kinh tế xã hội. Đó là những đóng góp thực sự có ý nghĩa luôn được các cơ quan Quốc hội đánh giá và tiếp thu.

bau-cu.jpg

Tôi làm công tác giảng dạy tại trường Đại học hàng đầu về kinh tế, là Phó chủ tịch Hội kinh tế khoa học Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Hà Nội nên bên cạnh tôi luôn có một lực lượng đông đảo các nhà khoa học về kinh tế hỗ trợ giúp sức. Đây là cơ sở để chương trình hành động của tôi hướng vào tiếp tục theo đuổi những đóng góp thảo luận vào các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế xã hội; đóng góp và việc quản lý phân bổ ngân sách và đầu tưu công.

Với những kinh nghiệm nghiên cứu về chống tham nhũng, tôi sẽ tiếp tục chú trọng đóng góp vào việc xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách, luật pháp. Tôi mong muốn ngăn chặn tham nhũng xảy ra từ khi xây dựng luật, để các chính sách được ban hành đủ chặt chẽ, khiến cho người thực thi chính sách đó không có cơ hội tham nhũng. Bên cạnh đó, phải cải tiến cơ chế giám sát, nếu chính sách tốt, giám sát tốt thì không có chuyện để Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng vi phạm pháp luật. Để xảy ra tham nhũng và những hậu quả đau lòng không chỉ là trách nhiệm của cá nhân những người vi phạm, mà còn là câu chuyện, là trách nhiệm của việc quản lý, giám sát.

Chương trình hành động của tôi cũng sẽ hướng vào đề xuất cơ chế chính sách để giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong các mối quan hệ đối với đất đai - đây là một trong những vấn đề đang nóng hiện nay, là nguyên nhân sâu xa của những tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Tôi đã nghiên cứu và đề xuất cần sửa đổi căn bản vấn đề kinh tế trong Luật Đất đai, cốt lõi nhất là đưa ra được cơ chế giải quyết hài hòa lợi ích giữa ba bên là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp với lợi ích do đất đai tạo ra.

Tôi cũng tiếp tục theo đuổi việc giám sát và thực thi các cơ chế kinh tế trong quản lý môi trường để thực hiện cơ chế người gây ô nhiễm phải chi trả đúng, đủ chi phí bồi hoàn cho hậu quả ô nhiễm và khắc phục môi trường, đối tượng chịu tác động được bồi thường chi phí thiệt hại và được hưởng đúng giá trị mang lại từ các hoạt động cải tạo, bảo vệ môi trường.

Ngay tại địa bàn tôi ứng cử là đơn vị bầu cử số 10 thuộc hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh, thì đất đai và môi trường cũng là những vấn đề đang nổi lên được người dân quan tâm. Còn ở Sóc Sơn và Mê Linh cũng là những bức xúc không chỉ của người dân thuộc vùng bị ảnh hưởng mà còn là trăn trở của các nhà lãnh đạo, quản lý. Vậy nên trong chương trình hành động của mình, tôi cũng sẽ tập trung vào những nội dung này.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội cần những đại biểu có đủ năng lực và bản lĩnh