Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2024 vừa vinh danh các tác giả, tác phẩm, nhà sản xuất, đạo diễn, quay phim... có nhiều đóng góp, các tác phẩm có chất lượng và được đánh giá cao. Trong đó, hạng mục Cánh diều Vàng giải Tác phẩm, Đạo diễn, Quay phim xuất sắc phim tài liệu đã xướng tên quay phim Nguyễn Nam Quốc (phim Trên đỉnh Phja Khao).
Anh Nguyễn Nam Quốc đã dành thời gian chia sẻ với PV Báo Công lý về giải thưởng danh giá vừa đạt được tại Cánh Diều Vàng 2024.
Chúc mừng anh đã nhận được giải Quay phim xuất sắc nhất! Cảm xúc của anh khi đứng trên sân khấu của Cánh Diều Vàng là gì?
Đây là lần đầu tiên tôi được nhận giải thưởng cao quý này. Tôi nghĩ không chỉ cá nhân tôi mà bất cứ nghệ sĩ nào hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đều coi đây là một vinh dự lớn lao. Thật khó diễn tả bằng lời cảm xúc của mình, chỉ chắc chắn đó là khoảnh khắc hạnh phúc và không thể nào quên trong đời.
Anh có thể chia sẻ thêm về bộ phim “Trên đỉnh Phja Khao” - tác phẩm đã đưa anh tới giải thưởng danh giá này?
Bộ phim tài liệu Trên đỉnh Phja Khao là tác phẩm của biên kịch Vũ Hồng Phương, đạo diễn NSƯT Nguyễn Quang Tuấn, Đặng Kim Sơn do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất.
Nói một cách ngắn gọn, bộ phim kể về cuộc đời của hai mẹ con phụ nữ người Dao thuộc hai thế hệ sống trên đỉnh núi Phja Khao. Người mẹ thuộc thế hệ phụ nữ Dao truyền thống, đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với nơi này. Cô con gái lớn lên giữa núi rừng, trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy khó khăn. Khi được xuống núi học cùng các bạn ở thành phố, trong cô đã hình thành khát vọng đổi đời.
Cô đã quyết tâm học tập và trở thành người phụ nữ Dao đầu tiên của Phja Khao tốt nghiệp đại học. Nhưng khi trở thành một người phụ nữ hiện đại, sống giữa đô thị sầm uất, vật lộn giữa vòng xoáy của xã hội hiện đại, cô nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống bình yên, tình yêu thương vô bờ nơi đỉnh núi quê nhà. Cô đã làm một kế hoạch trở về góp sức khai thác những tiềm năng vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho quê hương.
Đỉnh Phja Khao hiện lên trong phim như một thiên đường, mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ ảo, chứa đựng nền văn hóa truyền thống đậm bản sắc, độc đáo của người Dao. Nhưng thiên nhiên và con người nơi đây đang chịu áp lực của quá trình phát triển. Phía sau cuộc sống của hai người phụ nữ thấp thoáng những xung đột của truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn thiên nhiên và xâm thực của đô thị hóa, nhưng vượt lên trên hết là tình yêu thương, khát vọng làm chủ tri thức của những người dân địa phương để chính họ sẽ tìm ra cách hóa giải. Đó là cuộc sống.
Cơ duyên nào đã khiến anh trở thành một trong những người tạo nên bộ phim “Trên đỉnh Phja Khao”? Trong quá trình quay phim trên đỉnh Phja Khao, những kỷ niệm nào khiến anh và đoàn làm phim cảm thấy nhớ nhất?
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin chia sẻ một chút quan điểm của mình về nghề quay phim trong điện ảnh tài liệu. Đối với nhà quay phim tài liệu, mỗi lần tham gia vào một bộ phim đều là thách thức và dường như những thách thức này không có giới hạn. Thế hệ chúng tôi có nhiều thuận lợi khi có trong tay những thiết bị hiện đại. Dưới góc độ nào đó, các thiết bị này giúp chúng tôi giải phóng năng lực sáng tác. Nhưng xét cho cùng, chúng chỉ là công cụ giống như lò nướng của anh đầu bếp trong quá trình làm nên một bữa tiệc thịnh soạn.
Để tham gia vào bữa tiệc của thị giác, việc đầu tiên, nhà quay phim phải nắm được thông điệp của biên kịch, sau đó là ý tưởng của đạo diễn, và cuối cùng làm cảm nhận của chính mình khi tiếp xúc với nhân vật, bối cảnh hiện trường để chắt lọc nội dung và tìm ra phương án chuyển thể tối ưu chúng thành chất liệu chính của tác phẩm. Muôn vàn những chuyển động của cuộc sống hiện ra trên bề mặt lại ẩn chứa những nội hàm sâu rộng tới mức vượt mọi giới hạn của khuôn hình.
Những khoảnh khắc đó diễn ra nhanh tới mức, để nắm bắt được, nhà quay phim chỉ còn cách phản xạ theo bản năng đã được rèn rũa vững chắc từ kinh nghiệm thực tại. Và hơn thế, theo tôi, thực tiễn giống như một chiếc bình pha lê mong manh tới mức bất cứ tác động nào của nhà quay phim cũng có thể khiến nó vỡ tan. Điều đó tạo nên những thách thức cho bất cứ nhà quay phim tài liệu nào khi muốn tạo nên những hình ảnh không dừng ở mức độ tái hiện cuộc sống, mà mang chính cuộc sống đến cho người xem.
Như trên tôi đã nói, bộ phim Trên đỉnh Phja Khao kể câu chuyện giản đơn về cuộc sống của những con người giản đơn. Nhưng đằng sau sự giản đơn ấy là những gì phức tạp nhất, mong manh nhất, đồng thời cũng là mãnh liệt, bền bỉ nhất. Đó chính là vẻ đẹp tuyệt mỹ của cuộc sống. Và đó là thách thức lớn nhất của nhà quay phim.
Để thực hiện những điều đó, đạo diễn đã yêu cầu tôi phải đọc kỹ kịch bản, trao đổi với biên kịch, đồng thời cùng đạo diễn khảo sát hiện trường nhiều lần để nắm bắt ý tưởng. Tôi phải cảm ơn đạo diễn vì những yêu cầu khắt khe đó, vì cuối cùng tôi đã thực hiện được điều tâm đắc của mình.
Để có được cảnh quay đúng ý đồ, cần phối hợp nhuần nhuyễn giữa quay phim và đội ngũ kỹ thuật. Đặc biệt, kỹ thuật âm thanh. Điều này khó khăn hơn khi thực hiện ngoài trời, trong không gian rộng giữa núi rừng, và nhiều hoạt động diễn ra liên tục, khó dự báo. Nhờ ê-kíp rất chuyên nghiệp và hiểu ý mà tôi đạt được mục đích đề ra.
Vậy có khoảnh khắc nào trong quá trình quay phim khiến anh xúc động?
Tôi đã choáng ngợp khi chứng kiến bà mẹ người Dao ngồi trên tảng đá giữa rừng chăm sóc đàn dê. Đó là khoảng khắc tuyệt đẹp giao hòa giữa con người và thiên nhiên mang lại cảm giác thanh khiết của sự đồng đẳng tuyệt đối, không còn bất cứ phân định nào. Đó là một thể thống nhất của cuộc sống. Thời khắc đó, tôi như một người mộng du tác nghiệp một cách hoàn toàn theo bản năng. Tôi thật hạnh phúc khi được "nhúng" mình vào chính cuộc sống đó.
Khi sáng tạo nghệ thuật ở một địa điểm có địa hình khó khăn như Phja Khao, anh đã áp dụng những kỹ thuật quay phim gì đặc biệt để có thể ghi lại những cảnh quay ấn tượng và chân thực nhất?
Những thách thức lớn nhất tôi đã trình bày ở trên, phần còn lại có lẽ là kỹ năng cụ thể mà bất cứ nhà quay phim tài liệu nào chỉ cần một số năm kinh nghiệm là có thể thực hành tốt. Việc tác nghiệp ở khu vực rừng núi phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, như thời tiết, địa hình, bên cạnh đó nhân vật là đồng bào dân tộc, đặc biệt là người cao tuổi với phong tục, tập quán khá xa lạ sẽ khiến cho những nhà quay phim ít kinh nghiệm gặp khó khăn. Tôi may mắn học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm của những lớp đàn anh đi trước như NSƯT Nguyễn Quang Tuấn…
Bộ phim này có ảnh hưởng gì đến cách anh nhìn nhận về công việc của mình và ngành công nghiệp phim tài liệu?
Nghề quay phim tài liệu đặt người nghệ sỹ vào vị trí phải đối mặt với nhiều thách thức. Họ vừa giống như cánh tay nối dài của đạo diễn, vừa trong vai trò sáng tạo độc lập. Trong tác phẩm, họ là cầu nối giữa hiện thực và đạo diễn, mang đến chất liệu quan trọng nhất tạo nên tác phẩm. Điều đó khiến nhà quay phim phải không ngừng trau dồi kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để “đọc” ý đồ của đạo diễn, và đặc biệt là khả năng cảm nhận cuộc sống để chính mình sáng tạo, đồng điệu với đạo diễn.
Mỗi bộ phim tài liệu, về một khía cạnh nào đó giống như một món đồ cổ quý, càng để lâu càng quý giá. Có ý kiến cho rằng phim tài liệu kén người xem, khó cảm thụ, không thể thu hút bằng loại hình giải trí siêu ngắn. Tôi cho rằng, hàm lượng tri thức, năng lực giáo dục đầy ắp chất liệu từ đời sống đã tạo nên vẻ đẹp riêng có của phim tài liệu mà không loại hình nghệ thuật nào có được. Và thưởng thức phim tài liệu cũng chính là thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống và tiếp nhận tri thức của nhân loại.
Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về nguồn cảm hứng hoặc những người đã ảnh hưởng đến phong cách quay phim của anh trong “Trên đỉnh Phja Khao”?
Vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người, của cuộc sống luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với những người nghệ sĩ sáng tác, trong đó có nhà quay phim. Phja Khao đẹp như thiên đường. Thiên nhiên hoang sơ, bình minh bồng bềnh trong biển mây trắng muốt, hoàng hôn đắm chìm trong không gian tĩnh mịch của núi rừng. Những nhân vật vẻ bên ngoài giản đơn, nhưng ẩn chứa những giá trị lớn lao của cuộc sống. Đó thực sự là đỉnh núi của thách thức, cũng là đỉnh cao của đời người. Tất cả những điều đó sẽ khiến bạn chạm vào những cảm xúc hân hoan đặc biệt.
Tôi ấn tượng với phong cách thể hiện của NSƯT Nguyễn Quang Tuấn. Anh là một nhà quay phim tài liệu gắn bó với miền sơn cước. Anh thuần thục các thủ pháp tới mức uyển chuyển, nhưng luôn hướng tới những cách tiếp cận độc đáo để kể câu chuyện bằng hình ảnh rất riêng.
Sau thành công của bộ phim này, anh đã có dự định nào cho các dự án tiếp theo chưa?
Tôi rất may mắn khi là thành viên của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Truyền thống gần 70 năm của Hãng phim cho thấy Hãng phim luôn xứng đáng là cái nôi và đầu tàu của điện ảnh tài liệu Việt Nam. Ở đây, tôi có điều kiện được tham gia những dự án điện ảnh tài liệu tầm cỡ mà không dễ các nhà quay phim khác được tham dự. Hơn thế, tôi được kế thừa, tiếp cận và học hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ những nghệ sĩ bậc thầy đi trước. Thế giới phim tài liệu vô cùng rộng lớn, rộng lớn như chính thế giới này. Tôi chắc chắn mình sẽ phải tiếp tục hoàn thiện bản thân rất nhiều để thử sức trong những dự án mới của Hãng phim.
Thực hiện: Nguyễn Cúc