Hơn 500 hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Trung tâm Hải Hà (phố Trần Bình Trọng - Quảng Hà, Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) đang rất bức xúc và quyết “cố thủ” tại chợ cũ khi cho rằng, việc “ép” họ chuyển sang chợ mới là không hợp lý.
Nhất quyết di dời?
Chợ Trung tâm Hải Hà với điều kiện giao thông thuận lợi, gần sông nước “trên bến dưới thuyền”, là chợ truyền thống nhưng lại ở trung tâm huyện, là nơi giao thương của khá nhiều dân tộc thiểu số nơi đây. Chợ cũng là nơi đảm bảo nguồn sống cho hơn 500 hộ tiểu thương và hàng ngàn nhân khẩu khác đi kèm, cũng như nó giúp tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương và tạo động lực cho kinh tế địa phương phát triển.
Chính vì những thuận lợi trên, suốt mấy năm qua, hàng trăm tiểu thương ở chợ Trung tâm Hải Hà cũ đã phản đối chủ trương chuyển sang chợ mới. Họ cho rằng, việc bị ép chuyển từ chợ mà họ đã hoạt động ổn định từ hàng chục năm qua sang một địa điểm mới là hoàn toàn không hợp lý.
Trước đó, vào tháng 10/2010, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định phê duyệt dự án xây dựng một trung tâm thương mại, dịch vụ, chợ dân sinh và khu dân cư phía nam huyện Hải Hà. Do Công TNHH Đức Dương (Công ty Đức Dương) làm chủ đầu tư, dự án được triển khai và hoàn thành tháng 12/2011.
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, công trình khi xây xong cũng không đạt tiêu chuẩn trung tâm thương mại, mà chỉ là chợ hạng 1, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thoát nước… có vấn đề.
Những sai phạm kể trên của Công ty Đức Dương đã không bị xử lý mà còn được UBND huyện Hải Hà “giải cứu”: Tháng 2/2012, lãnh đạo huyện Hải Hà đề nghị UBND tỉnh cho đổi tên “Trung tâm thương mại” này thành “chợ Trung tâm Hải Hà” với mục đích dồn hơn 500 tiểu thương của chợ Trung tâm Hải Hà cũ sang. Trong khi, việc này được triển khai khi chưa có kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ trên địa bàn; không lập, trình duyệt và công bố công khai quy hoạch tại khu vực chợ cũ trước khi tiến hành xây dựng chợ mới...
Tháng 6/2013, lấy cớ thực hiện chủ trương của tỉnh về việc xây dựng một khu công viên cây xanh tại vị trí chợ Trung tâm huyện Hải Hà cũ, UBND huyện Hải Hà tiếp tục yêu cầu các tiểu thương tại đây chuyển sang chợ Hải Hà mới. Một phương án cưỡng chế cũng đã được tính đến đối với những hộ quyết ở lại chợ cũ sau ngày 25/6. Khu chợ này thậm chí còn bị cắt điện để tiểu thương buộc phải di dời.
Các tiểu thương phản đối kịch liệt việc chuyển họ vào chợ Trung tâm Hải Hà mới
Cho rằng chợ mới với diện tích chật chội, giao thông không thuận lợi, đóng góp nhiều, lại là chợ mới và là TTTM không hợp với môi trường và đời sống dân sinh nơi đây. Bên cạnh đó, chợ mới lại gần Bệnh viện Đa khoa Hải Hà nên sẽ gây ô nhiễm, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến bệnh nhân. Các tiểu thương quyết phản đối kịch liệt và không đồng ý với quyết định “ép buộc” di dời trên.
Ngày 1/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc đã tuyên bố huỷ Quyết định số 652/QĐ-UB của UBND huyện Hải Hà về cưỡng chế và chuyển chợ. Tuy nhiên, cho rằng việc quy hoạch xây dựng quảng trường và công viên huyện tại vị trí chợ cũ vẫn phải tiến hành để đảm bảo cho việc nâng cấp đô thị Quảng Hà và thực hiện quy hoạch chung, nên lại một lần nữa các hộ dân lại rơi vào tình trạng bị “ép” phải di dời. Một là vào chợ mới như trước đó, hai là vào “chợ thôn 1 xã Quảng Trung” - một chợ thuộc xã nhỏ của huyện Hải Hà.
Tiểu thương không đồng ý ra chợ Quảng Trung vì Chợ xã Quảng Trung là thuộc trong kế hoạch phát triển cảng biển Hải Hà, nhằm phục vụ cho khu công nghiệp cảng biển sau này. Chức năng và nhiệm vụ của chợ thôn 1 xã Quảng Trung khác hoàn toàn với chợ Trung tâm Hải Hà. Hơn nữa, theo các tiểu thương, chợ Quảng Trung ở giữa đồng không mông quạnh, giao thông không thuận lợi.
“Chợ không có dân thì bán hàng cho ai, cách đường dân sinh hàng trăm mét, chợ không có nhiều cổng, chỉ có 1 cổng duy nhất, nếu cháy sẽ rất nguy hiểm. Nếu họp chợ ở đó có xảy ra cháy không có đường cho xe cứu hỏa vào. Vị trí đó hay gặp bão, chỉ có 1 cơn bão là tan hoang cả chợ. Chính vì thế nên các hộ dân chúng tôi không đồng ý với việc di dời ra đó.” - một tiểu thương chia sẻ.
Tiểu thương “cố thủ” tại chợ cũ
Theo ý kiến nhiều tiểu thương nơi đây, thì việc chuyển sang Trung tâm Thương Mại Đức Dương, hay chợ thôn 1 xã Quảng Trung đều không đúng quy trình, trình tự thủ tục, không họp bàn và được sự đồng thuận của hộ tiểu thương. Do đó, ngày 5/1/2015 vừa qua huyện Hải Hà đã tổ chức bốc thăm điểm kinh doanh chợ thôn 1 xã Quảng Trung, nhưng không có hộ tiểu thương nào đăng kí. Tuy nhiên, đến ngày 10/1/2015, lại có danh sách gần 400 hộ tiểu thương chợ Trung tâm Hải Hà đều đã ký nhận bốc thăm vào chợ thôn 1, xã Quảng Trung 1 cách khó hiểu.
Các tiểu thương bức xúc nói: “Không thể chấp nhận được việc “nhờ người” bốc thăm này. Theo chúng tôi được biết thì chính quyền huyện Hải Hà đã ép UBND thị trấn Quảng Hà, UBND các xã, các Chủ tịch, Chủ tịch Mặt trận hay các cán bộ địa phương xã nào có các hộ tiểu thương chúng tôi cư trú kí nhận thay. Đây là hành vi tước quyền công dân của chúng tôi, tước bỏ quyền dân chủ, xâm phạm quyền lợi của chúng tôi”.
Nhiều người dân cho biết, “Các cán bộ địa phương nói rằng, nếu không kí nhận thay thì sẽ bị UBND huyện Hải Hà đuổi việc, các hộ tiểu thương có vợ hoặc chồng hoặc người thân làm cán bộ công chức đang làm việc, phải vận động tiểu thương chuyển lên các chợ theo yêu cầu, nếu không vận động được thì cho nghỉ việc ở nhà, vận động đến khi nào xong thì mới đi làm”.
Mặc cho các hộ dân ra sức phản đối, nhiều đơn thư cầu cứu gửi đi gắp nơi, nhưng vẫn chưa có được câu trả lời. UBND huyện Hải Hà lại tiếp tục ra quyết định thời gian thực hiện cưỡng chế các tiểu thương không di chuyển hết hàng hóa ra khỏi chợ Trung tâm Hải Hà cũ, để xây dựng Công viên cây xanh theo quy định. Cụ thể: Các tiểu thương phải chuyển hết hàng hóa ra khỏi chợ Trung tâm Hải Hà cũ để xây dựng công viên cây xanh trong thời gian 7 ngày, kể từ ngày 15/1/2015 đến ngày 22/1/2015. Đến ngày 23/1, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế các tiểu thương không di chuyển hết hàng hóa ra khỏi chợ Trung tâm Hải Hà cũ để xây dựng công viên theo quy định.
Trong đơn kêu cứu của các tiểu thương gửi đến báo chí có đoạn viết: "Tính đến ngày 19/1/2015, dù nói trên loa đài phát thanh là tuyên truyền vận động, nhưng chính quyền đã sử dụng các hình thức ngăn sông cấm chợ, đổ đất lấp cổng ra vào, phá cửa chợ của bà con, căng dây chắn xung quanh chợ, sử dụng hành rào chắn, ban quản lý thị trường thu hàng của các hộ tiểu thương…"
Quyết định cưỡng chế bắt đầu từ ngày 23/1, nhưng cơ quan chức năng đã cưỡng chế từ 15/1
“Chính quyền quyết định ngày 23/1/2015 sẽ tiến hành cưỡng chế và phá bỏ các kiot, tài sản của chúng tôi. Tuy nhiên, hiện nay huyện đã dùng các cơ quan chức năng đến ép và cưỡng chế từ 15/1. Như vậy là vi phạm pháp luật” - Các tiểu thương bức xúc nói.
Để kiên quyết phản đối lại quyết định của chính quyền địa phương, hiện tại, một số tiểu thương còn lập bàn thờ, thậm chí, đưa con em mình đang là học sinh tiểu học, trung học cơ sở và những người cao tuổi thường xuyên ngồi chặn tại các cửa vào chợ Trung tâm Hải Hà cũ. Theo thống kê, đến hết ngày 15/1, tại 6 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Hải Hà đã có 30 đơn xin nghỉ học và 13 học sinh nghỉ học dù không được nhà trường chấp thuận.
“Thực sự chúng tôi đang rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi mà sắp tới Tết Nguyên đán, thời điểm kinh doanh quan trọng nhất trong năm đang cận kề. Vì chúng tôi bị cấm chợ nên không còn khả năng kinh tế để cho con em đến trường nữa” -nhiều tiểu thương chia sẻ.