Quảng Ngãi: UBND xã “tiếp tay” để người dân hợp thức hóa đất lấn chiếm

Minh Quân| 18/02/2017 07:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo báo cáo kết quả giám sát của HĐND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhiều thửa đất dọc sông Sa Kỳ đã lấn ra dòng sông. Tuy nhiên phần đất lấn chiếm này lại được chính quyền hợp thức hóa diện tích.

Vừa qua, Báo Công lý có bài “Dòng sông bị lấn chiếm, tàu thuyền không nơi neo đậu”, phản ánh việc dòng sông Sa Kỳ bị nhiều hộ dân lấn chiếm để làm nơi kinh doanh và xây dựng nhà ở trái phép gây ra rất nhiều khó khăn cho việc tàu thuyền neo đậu cũng như ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Sau đó, HĐND xã Bình Châu đã tiến hành thành lập đoàn kiểm tra về việc này.

Quảng Ngãi: UBND xã “tiếp tay” để người dân hợp thức hóa đất lấn chiếm

Dòng sông Sa Kỳ hiện đang bị lấn chiếm rất nghiêm trọng.

Báo cáo số 07/BC-HĐND của HĐND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn nêu rõ: Dọc sông Sa kỳ hiện có tổng cộng 43 thửa đất. Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch năm 2003 thì chỉ có 42 thửa đất, với tổng diện tích là 10.279,6 m2. Hiện tại 43 thửa đất đang sử dụng có tổng diện tích là 13.776,3 m2. Trong đó, có 33 thửa có diện tích tăng so với bản đồ 2003 là 3.496,7 m2.

Nguyên nhân tăng diện tích của 33 thửa đất nói trên được xác định là do các hộ dân này lấn chiếm dòng sông Sa Kỳ để cơi nới xây dựng công trình trái phép. Các trường hợp sử dụng được xác định tăng diện tích đã bị Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Quảng Ngãi) phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, chính quyền địa phương xã Bình Châu đã “tiếp tay” để hợp thức hóa về thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại, diện tích tăng cho 11/ 33 trường hợp này với diện tích lấn chiếm hàng nghìn mét vuông.

Lý do được UBND xã đưa ra là do sai sót trong quá trình đo đạc và khai hoang bãi bồi ven sông. Tuy nhiên, trong Báo cáo số 07 nêu trên đã thể hiện rõ: “Việc viện dẫn những lý do trên để làm thủ tục cấp lại GCNQSDĐ cho 11 trường hợp trên là không đúng vì trong hồ sơ của Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Quảng Ngãi) thể hiện là do lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng sông Sa Kỳ”.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Châu thừa nhận, qua việc giám sát cho thấy, công tác quản lý nhà nước của UBND xã trên lĩnh vực đất đai dọc sông Sa Kỳ trong thời gian qua còn nhiều yếu kém, lỏng lẻo. Việc thực hiện đề nghị cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ cho nhân dân có diện tích tăng lên, trong đó có cả phần lấn chiếm hành lang luồng sông Sa Kỳ đã được xử lý vi phạm hành chính là không đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyên cho biết thêm: "Qua giám sát lần này, thường trực HĐND xã xét thấy có dấu hiệu sai phạm nhất định trong việc đề nghị và xác lập để làm thủ tục cấp đổi, cấp lại cũng như cấp mới, cho nên HĐND xã đã kiến nghị với HĐND huyện Bình Sơn chỉ đạo UBND huyện tiến hành thanh tra làm rõ những trường hợp lấn chiếm này và sai do tổ chức, cá nhân nào gây ra. Sau khi có kết luận thanh tra, có sai phạm tới đâu, mức độ tới đâu, cán bộ nào, tổ chức nào sai phạm thì sẽ xử lý tới đó.

Bên cạnh đó, dòng sông Sa kỳ có nhiều cơ quan chức năng cùng quản lý như Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Ngãi, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bình Sơn và UBND xã Bình Châu, cho nên xã có văn bản đề nghị UBND huyện Bình Sơn báo cáo với UBND tỉnh xin tổ chức 1 cuộc họp liên ngành bao gồm các cơ quan chức năng trên để thống nhất biện pháp ngăn chặn và biện pháp tham mưu xử lý việc lấn chiếm dòng sông này".

Quảng Ngãi: UBND xã “tiếp tay” để người dân hợp thức hóa đất lấn chiếm

Lấn chiếm dòng sông để xây dựng cây xăng và nhà máy đá

Trước việc dòng sông Sa Kỳ bị lấn chiếm nghiêm trọng, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu không khỏi lo lắng chia sẻ: "Hiện nay Nhà nước đang có cơ chế chính sách phát triển tàu máy lớn để vươn khơi bám biển nhưng nơi neo đậu của ngư dân không có vì dòng sông bị lấn chiếm rất nhiều, gây nguy hiểm cho tài sản của ngư dân vào mùa mưa bão. Vì vậy ngư dân không dám đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Với việc lấn chiếm này, tàu không còn nơi neo đậu buộc phải neo sát vào nhau, như vậy nếu có bão lớn chỉ việc các tàu va chạm với nhau đã đủ làm hư hỏng và gây chìm tàu".

Bên cạnh đó, nhiều người dân phản ánh và bức xúc về việc ông Lê Trung Trí (thuộc thôn Định Tân, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) lấn chiếm dòng sông Sa Kỳ để xây dựng cây xăng và làm nhà máy đá. Tuy nhiên ông Phạm Bách, Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa cho rằng việc này UBND xã Tịnh Hòa không quản lý và thuộc thẩm quyền của cấp trên nên không thể trả lời với phóng viên được.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: UBND xã “tiếp tay” để người dân hợp thức hóa đất lấn chiếm