Hàng chục tiểu thương chợ Tam Kỳ biết mình không được BQL chợ Tam Kỳ bố trí vào địa điểm kinh doanh chợ mới, không được họp chợ, không thông báo trước, mất đi quyền lợi chính đáng nên đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng kêu cứu.
Trong đơn gửi Báo Công lý, bà Trần Thị Mỹ Phượng (trú tại 683 Phan Châu Trinh, Tp. Tam Kỳ) trình bày: Tháng 4-2009, vợ chồng bà Phượng bán tài sản và một lô đất tại Tp. Đà Nẵng được gần 1 tỷ đồng để về chợ Tam Kỳ (Quảng Nam) mua lại ki-ốt số 69 chợ Tam Kỳ từ hộ ông Thủy Minh kinh doanh buôn bán hàng vải. Vợ chồng bà nhờ mẹ là bà Lê Thị Trâm đứng tên giúp, vì bà Trâm (mẹ bà Phượng) có hộ khẩu thường trú tại Tam Kỳ. Trước đó, bà Trâm cũng thuê một lô số 65 trong chợ và kinh doanh cho đến nay. Bà Phượng cho biết: “Việc tôi thuê và buôn bán nhiều năm tại ki-ốt số 69 nhiều người kinh doanh ở đây ai cũng biết và tôi luôn hoàn thành các khoản phí, tiền thuê mặt bằng. Giữa tôi và mẹ ruột có hai ki-ốt kinh doanh hoàn toàn riêng biệt, chỉ hợp đồng là mẹ đứng tên 2 lô. Nhưng thật vô lý là BQL chợ chỉ bố trí mỗi mặt bằng ở chợ tạm tại phường An Sơn cho mẹ tôi, còn tôi thì không. Việc chấm dứt hợp đồng thuê khoán đã gây thiệt hại kinh tế cho gia đình tôi”.
Bà Võ Thị Lệ (45 tuổi, tiểu thương chợ Tam Kỳ) bức xúc trình bày: “Gia đình tôi có 3 ki-ốt buôn bán tại chợ Tam Kỳ, theo quy định thì khi chuyển sang địa điểm mới gia đình tôi phải được bố trí 3 ki-ốt mới thay thế nhưng trên thực tế BQL chợ Tam Kỳ đã “xén” mất hai ki-ốt. Không có nơi buôn bán, 3 đứa con tôi rơi vào tình cảnh thất nghiệp gần 1 tháng nay”.
Bà Lê Thị Trâm bức xúc khi BQL chợ Tam Kỳ “cắt” một ki-ốt buôn bán của gia đình chuyển sang cho tiểu thương khác từ nơi khác đến
Chung cảnh ngộ như bà Trâm, bà Lệ còn có 12 hộ tiểu thương tại chợ Tam Kỳ hiện đang lâm vào tình trạng thừa hàng hóa, thiếu nơi buôn bán khi phải chuyển sang địa điểm chợ mới. Theo phản ánh của những tiểu thương này thì lý do khiến họ bị “cắt” ki-ốt buôn bán, lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười” là vì BQL chợ Tam Kỳ đã cho phép 34 tiểu thương ở nơi khác đến (tức là không buôn bán ở chợ cũ Tam Kỳ, không thuộc diện được ưu tiên) vào “chiếm chỗ”, làm chủ nhiều ki-ốt buôn bán trong khu chợ mới, “đẩy” nhiều tiểu thương cũ ở chợ Tam Kỳ ra bên ngoài. Nhiều tiểu thương cho rằng, BQL chợ tự ý bố trí cho ai thì người đó nhận, trước khi giải tỏa không họp các tiểu thương mà chỉ thông báo trên loa phát thanh.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc, bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng Ban quản lý chợ Tam Kỳ cho biết: “BQL chợ Tam Kỳ chỉ làm theo chỉ đạo của ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Tam Kỳ. Ông Hưng đề nghị chúng tôi phải sắp xếp, bố trí cho 34 hộ dân bị giải tỏa cầu Kỳ Phú 1, Kỳ Phú 2 nên chúng tôi phải làm theo”.
Nhiều tiểu thương cho rằng, bố trí 34 hộ dân bị giải tỏa cầu Kỳ Phú 1, Kỳ Phú 2 vào chợ mới, không giải quyết những tiểu thương từ trước đến nay vào chợ là cách làm tùy tiện của BQL chợ. Bởi lẽ, những hộ bị giải tỏa không ảnh hưởng gì trong khi các tiểu thương đã gắn liền 15 năm, đầu tư vốn và tài sản lớn vào chợ, đóng các khoản phí với BQL chợ Tam Kỳ lại không được ưu tiên.
Bất bình trước việc làm của UBND thành phố, BQL chợ Tam Kỳ, nhiều tiểu thương tại chợ Tam Kỳ đã làm đơn khiếu nại gửi lên UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh Quảng Nam yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.
Quang Khải