Ngày 19/3, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam ông Mai Văn Mười cho biết, đơn vị vừa có công văn về việc tăng cường biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm liên quan đến cá chép ủ chua.
Qua đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương, đặc biệt là vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sở Y tế cũng đề nghị người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua, bà con nên tiêu hủy cá ủ chua nếu còn tại gia đình.
Không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng…
Người dân cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua.
Đặc biệt cần tuyệt đối không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
Đồng thời phối hợp với Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh và các đơn vị chức năng xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc để công khai kết quả kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, thuốc men, phối hợp hội chẩn từ xa, tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến để điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra.
Các đơn vị y tế trên toàn tỉnh nhanh chóng báo cáo về Sở Y tế khi các bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện do nghi ngờ liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để cơ quan chức năng tổ chức điều tra.
Thực hiện lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm (nếu có) gửi Viện Pasteur Nha Trang hoặc các Viện chuyên ngành để xác định nguyên nhân, chỉ đạo xử lý và điều trị kịp thời.
Liên quan đến những vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian gần đây, ông Tô Mười – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết, vừa qua, bệnh viện tiếp nhận 3 chùm ca bệnh, tổng số 10 người bị ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam; trong đó có 01 trường hợp tử vong.
Đội ngũ bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam phối hợp với các các sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) hội chẩn, điều trị các ca bệnh ngộ độc Botulinum.
Ban Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức trực tiếp mang đem theo 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc tố Clostridium Botulinum (đây là một loại thuốc rất hiếm còn lại tại Bệnh viện Chợ Rẫy) ra Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để tiến hành hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Theo đó, chùm ca bệnh số 1 gồm 3 nữ và 1 nam, ngụ tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cả 4 người đều ăn cá chép muối ủ chua.
Sau 12 - 24 giờ ăn cá, các trường hợp này đều có triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt mỏi và yếu dần tay chân.
Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, do diễn tiến bệnh quá nặng đã có 1 bệnh nhân nữ 40 tuổi tử vong. Sức khỏe 3 ca còn lại đã tạm ổn.
Chùm ca bệnh số 2 gồm 3 nam và 1 nữ cùng gia đình, ngụ xã Phước Kiên, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 16/3 cả gia đình ăn cá chép muối ủ chua và chỉ sau khoảng 24 giờ, các bệnh nhân có triệu chứng nôn ói nhiều, mệt mỏi, đau đầu… được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cấp cứu.
Đến ngày 18/3 có 2 bệnh nhân bị liệt tứ chi, suy hô hấp phải thở máy; còn 2 bệnh nhân còn lại (nam 12 tuổi và nữ 24 tuổi) yếu nhẹ tứ chi, sức cơ 4/5 - 5/5, có thể tự thở được.
Chùm ca bệnh thứ 3 là bệnh nhân nữ 37 tuổi, ngụ xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau một ngày ăn cá chép muối ủ chua, bệnh nhân này nôn ói nhiều, yếu dần tay chân và được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 16/3, bệnh nhân bị suy hô hấp, thở máy.
Theo kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện (thức ăn của chùm ca bệnh đầu tiên) xác định Clostridium tuýp E (+).
Độc tố botulinum có thể gây ra bệnh liệt mềm nghiêm trọng ở người và động vật, là độc tố mạnh nhất, có từ tự nhiên hoặc tổng hợp, với liều lượng gây chết người là 1,3-2,1 nano g/kg. Nhiễm Botulinum là một rối loạn hiếm gặp, nguy hiểm đến tính mạng xảy ra khi độc tố Botulinum lan theo đường máu.