Quảng Nam: Cần đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng

Hải Nam| 30/12/2016 08:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một lãnh đạo cấp huyện tại Quảng Nam chia sẻ: lãnh đạo địa phương thật sự rất trăn trở khi sắp tới nhiều trường hợp giáo viên sẽ phải bỏ nghề nếu không trúng tuyển đợt thi tuyển viên chức sắp diễn ra.

Nhiều năm dạy hợp đồng, bỏ qua không ít cơ hội tuyển dụng các ngành khác chỉ bởi lòng đam mê, tâm huyết với nghề giáo, họ thấy hạnh phúc khi được làm đúng nghề mình đã chọn và nuôi hy vọng một ngày nào đó được đặt chân tới “ngưỡng cửa” biên chế... Tuy nhiên,  hy vọng của họ ngày càng mong manh, nhiều người đứng trước nguy cơ bỏ nghề.

Ám ảnh… trượt biên chế

Một lãnh đạo cấp huyện tại Quảng Nam chia sẻ: lãnh đạo địa phương thật sự rất trăn trở khi sắp tới nhiều trường hợp giáo viên sẽ phải bỏ nghề nếu không trúng tuyển đợt thi tuyển viên chức sắp diễn ra. Họ đã gắn bó với nghề, cam chịu cảnh dạy hợp đồng để tích thêm kinh nghiệm và hy vọng có cơ hội bước chân vào “ngưỡng cửa” biên chế. Bao năm đứng trên bục giảng, nay lại không được thừa nhận… cũng xót xa lắm chứ. Lời tâm sự ấy cứ ám ảnh và thôi thúc chúng tôi tìm hiểu sự thật.

Chúng tôi tìm về một trường mẫu giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Cô H - một giáo viên hợp đồng tại trường chia sẻ: Chỉ vì một niềm tin, cô đã bám trụ dạy hợp đồng, thậm chí bỏ những cơ hội chuyển ngành để vào viên chức. Nhưng có lẽ kinh nghiệm giảng dạy và sự tâm huyết đối với nghề giáo bây giờ là chưa đủ. Gần 5 năm đứng lớp là chừng ấy năm cô đã cố gắng hoàn thành thật tốt công việc với hy vọng năng lực của mình sẽ được thừa nhận với “tấm vé” vào biên chế.

Cùng chủ đề, cô N xót xa: Bao năm đứng trên bục giảng, dù là giáo viên hợp đồng nhưng cô luôn cố gắng thể hiện năng lực của mình và đã rất hạnh phúc khi bao cố gắng được ghi nhận với giải nhì Giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Nhưng tại đợt thi tuyển sắp tới, UBND tỉnh Quảng Nam lại không tính điểm ưu tiên theo số năm kinh nghiệm, hay các giải thưởng đã có được trong thời gian công tác. Không biết sau đợt thi tuyển này, nếu không được mà phải bỏ nghề thì những danh hiệu đạt được sẽ để làm gì.

Quảng Nam: Cần đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng

Nhiều giáo viên mầm non đứng trước nguy cơ phải bỏ nghề

Thực tế, với đặc thù công việc, lại vướng bận chuyện gia đình, con nhỏ nên rất nhiều giáo viên hợp đồng không có thời gian để ôn thi. Nếu nghỉ dạy để ôn thi thì vi phạm hợp đồng, thiếu giáo viên đứng lớp. Vậy nên họ đành chỉ biết tranh thủ tự ôn thi tại nhà. Trở ngại nữa với số giáo viên hợp đồng này là thời gian ra trường đã lâu, đặc thù công việc lại không tiếp xúc với ngoại ngữ thường xuyên nên kỹ năng về ngoại ngữ rất hạn chế. Trong khi đó theo quy chế thi tuyển thì ngoại ngữ và tin học lại là 2 môn thi điều kiện với thí sinh. Đây thật sự là trở ngại lớn với đội ngũ giáo viên hợp đồng hiện nay.

Một cô giáo có thâm niên dạy hợp đồng trên địa bàn chia sẻ: lương giáo viên hợp đồng rất thấp, nhưng vẫn cố gắng bám trụ với nghề vì đây là ước mơ của chị. Nay có thông báo thi tuyển viên chức, chị thật sự hụt hẫng và hoang mang vì nay mai nếu thi rớt không biết tương lai sẽ như thế nào? Chẳng riêng gì chị mà đó là tâm trạng chung của những giáo viên hợp đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Hơn nữa đến nay lịch thi cụ thể vẫn chưa được thông báo, nhiều cô giáo đang thời kỳ mang thai cũng hết sức lo lắng vì không biết kỳ thi sẽ rơi vào khoảng thời gian nào. “Nếu chẳng may tổ chức thi vào lúc mình đang sinh em bé thì xác định… mất việc” - cô N đang mang thai tháng thứ 7 cho biết.

Mong chờ cơ hội cống hiến

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ tại một Phòng Giáo dục huyện cho biết, lãnh đạo Phòng cũng rất trăn trở với số lượng giáo viên hợp đồng này. Đã là thi tuyển thì chắc chắn phải có người đậu, kẻ rớt. Nhưng nếu chẳng may những giáo viên hợp đồng rớt tại kỳ thi này, Phòng cũng hết sức trăn trở. Phòng cũng đã kiến nghị nên có lộ trình kéo dài thời gian xét đặc cách viên chức với những trường hợp giáo viên hợp đồng được ghi nhận có nhiều nỗ lực, cống hiến với ngành hoặc tính điểm tịnh tiến theo số năm công tác, cộng điểm ưu tiên với những cá nhân đạt danh hiệu thi đua nhưng đến nay lãnh đạo tỉnh vẫn chưa thông qua.

Hầu hết lãnh đạo đều hiểu, giáo viên hợp đồng có những đóng góp không thua kém giáo viên biên chế, thậm chí có phần hơn vì họ luôn nỗ lực cố gắng để hy vọng một ngày nào đó sẽ được đứng trong hàng ngũ giáo viên một cách chính thức. Thế nhưng, ngược lại với những cống hiến, những gì họ được hưởng lại quá thiệt thòi bởi hiện tại, khả năng vào biên chế của các giáo viên hợp đồng này còn quá mờ mịt. Nếu một ngày nào đó, vì rào cản “thi viên chức” mà số giáo viên này phải bỏ nghề thì thiệt thòi quá lớn cho họ. Ngoài việc mất việc làm không có thu nhập để lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, họ còn bị tác động lớn đến tâm tư, tình cảm, dễ bị tổn thương khi có sự thay đổi bất thường về vị trí làm việc và những đối xử bất hợp lý.

Được biết, tình trạng trên là khá phổ biến ở Quảng Nam. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã có 105 trường hợp là lao động hợp đồng có thời hạn của UBND huyện. Trong đó, có 37 giáo viên và nhân viên có thời gian công tác và giảng dạy đúng vị trí việc làm được 48 tháng trở lên. Xét về mặt thời gian và kinh nghiệm công tác thì 37 trường hợp này đã đủ điều kiện xét đặc cách viên chức nhưng xét về quá trình tham gia đóng BHXH liên tục 36 tháng (không kể thời gian tập sự, thử việc) thì số giáo viên, nhân viên này chưa đủ điều kiện. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi đối với những trường hợp này, UBND huyện đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý để UBND huyện tiếp tục ký hợp đồng đối với số giáo viên, nhân viên này để được tiếp tục giảng dạy có đóng BHXH đến khi đủ điều kiện xét tuyển đặc cách vào những năm tiếp theo hoặc đồng ý để UBND huyện Duy Xuyên xét tuyển đặc cách viên chức đối với giáo viên, nhân viên này vào vị trí việc làm đang đảm nhận. Đây cũng là chủ trương chung của các cấp lãnh đạo địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có trả lời với những kiến nghị này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Cần đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng