Mới đây, một clip quảng cáo sữa chua Ba Vì đã khiến cả xã hội bức xúc bởi sự vô lý, phản khoa học.
Có lẽ, với bất cứ nhà sản xuất nào việc gây ấn tượng với khách hàng về sản phẩm là điều vô cùng quan trọng. Nhưng cố tình gây ấn tượng bằng việc tạo ra những điều trái với quy luật, trái khoa học, ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tư duy của trẻ là điều không nên.
Với những clip dành cho trẻ em thì tính giáo dục phải được đặt lên hàng đầu
Gần đây, khi clip quảng cáo sữa chua Ba Vì được phát trên kênh VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam có nội dung trò chuyện giữa hai bố con về số lượng những hộp sữa trên bàn đã gây bão trên mạng.
Hàng ngàn lượt chia sẻ, comment với nội dung ném đá đoạn clip trên cho thấy phản ứng gay gắt của dư luận trước những thông tin chuyển tải một cách lố bịch trong clip. Cụ thể, nội dung cuộc trò chuyện giữa hai bố con trong đoạn clip quảng cáo như sau:
Cậu bé ngồi đếm 6 hộp sữa chua. Tiếp đó, bố cậu bé có hỏi 6 hộp lấy mất 1 hộp thì bằng mấy? Cậu bé liền trả lời bằng 6. Bố cậu bé liền hỏi lại 6 hộp lấy 1 hộp thì bằng mấy, nhưng cậu bé vẫn tiếp tục khẳng định bằng 6. Sau đó, clip có thêm đoạn nói về việc mua một lốc 6 hộp sữa chua được tặng thêm 1 hộp.
Khi xem xong đoạn clip, thật khó có thể hình dung nếu như hôm nay con bạn ở trường được cô giáo dạy, 6-1=5, nhưng khi về nhà xem ti vi thấy quảng cáo nói 6-1=6. Với kiến thức và sự hiểu biết của trẻ thì ý đồ chuyển tải trong clip trên đã tạo ra một sự hoài nghi không hề nhỏ giữa kiến thức thực tế và những hình ảnh, âm thanh trẻ thấy trong quảng cáo. Thử hỏi, trong lúc trẻ xem quảng cáo, nếu như không có phụ huynh bên cạnh giải thích thì những thắc mắc hiện lên trong đầu trẻ khó mà có câu trả lời thỏa đáng.
Các nhà kinh doanh, marketing đã nắm bắt được sở thích xem quảng cáo của trẻ để đưa vào đó ý tưởng của mình, tuy nhiên lại thực hiện nó một cách phản khoa học. TS. Tâm lý Bùi Hồng Quân khẳng định, với nội dung đoạn clip quảng cáo trên, nếu trẻ được xem đi xem lại nhiều lần có thể tác động xấu đến tâm lý và tư duy khoa học của trẻ. Bởi đã là khoa học thì phải có những nguyên tắc và sự chính xác chứ không thể 6-1=6 được.
TS. Bùi Hồng Quân cho rằng, ở đây các nhà quảng cáo mới chỉ quan tâm đến việc làm sao bán được nhiều sản phẩm mà chưa nghĩ tới tính giáo dục và trách nhiệm xã hội khi tung ra đoạn clip trên.
Đặc biệt với những clip dành cho trẻ em thì tính giáo dục phải được đặt lên hàng đầu, bởi sản phẩm trong quảng cáo có tác động đến sự phát triển của trẻ. Các clip quảng cáo cần chuyển tải nội dung một cách đúng đắn, để trẻ có thể hiểu một cách dễ dàng chứ không phải kiểu đánh đố, mơ hồ hoặc gây ra sự hoài nghi.
Để clip quảng cáo sữa chua Ba Vì với phép tính 6-1=6 được phát rộng rãi trên kênh truyền hình quốc gia thì phải đề cập đến khâu kiểm duyệt trước khi phát sóng của nhà đài. Trong khi trước đó, hàng loạt những bê bối khác liên quan đến nội dung các clip, chương trình thiếu tính giáo dục tương tự cũng đã từng xảy ra.