Quảng cáo “nhà tôi ba đời bán thuốc” có vi phạm pháp luật?

Như Loan| 28/04/2021 15:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước sự xuất hiện tràn lan của quảng cáo “nhà tôi ba đời bán thuốc” trên mạng xã hội hiện nay, khi mà cơ quan chức năng chưa vào cuộc thì bản thân người tiêu dùng cần phải có nhận thức đúng đắn về các sản phẩm này để từ đó có thể tự bảo vệ bản thân, tránh khỏi những tác hại khôn lường mà các sản phẩm thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc này có thể gây ra.

quang-cao1.jpg
Ảnh minh họa

Trong thời gian gần đây, cụm từ “Nhà tôi ba đời bán thuốc” đã trở thành hot trend – một cụm từ được sử dụng tràn lan trên mạng xã hội. Không quá khó để lý giải cho việc này bởi chỉ cần một thao tác đơn giản là vào Youtube, lựa chọn một video ngẫu nhiên, thì các video với nội dung quảng cáo như “nhà tôi ba đời trị sỏi thận…”, “nhà tôi ba đời bán thuốc…”, được chèn vào trong với một nội dung gây không ít khó chịu, phiền toái và thậm chí là gây ám ảnh đối với người xem.

Các video này là hình thức quảng cáo cho những sản phẩm thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đang ngày càng lấn lướt các nội dung quảng cáo trên mạng xã hội thông thường tại Việt Nam.

Tại Điều 79, Luật Dược 2016 điều kiện về quảng cáo thuốc được quy định như sau:

- Thuộc danh mục thuốc không kê đơn.

- Không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam.

Ngoài ra, tại Điều 119 Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Dược cũng quy định về Điều kiện về chủ thể có thể đứng tên trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc như sau:

- Cơ sở thuốc đăng ký tại Việt Nam.

 -Văn phòng đại diện tại Việt Nam của chính cơ sở nước ngoài đăng ký thuốc tại Việt Nam và được cơ sở này ủy quyền.

- Cơ sở kinh doanh dược của Việt Nam được cơ sở đăng ký thuốc tại Việt Nam ủy quyền.

Như vậy, khi đáp ứng được các điều kiện trên thì cơ sở kinh doanh thuốc có thể thực hiện quảng cáo các sản phẩm này đến với công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với trường hợp quảng cáo thuốc đại trà trên các trang mạng, quảng cáo trên truyền hình, youtube thì cần có các thanh tra vào cuộc thẩm định, đánh giá các loại thuốc này thực hiện đầy đủ quy trình trên hay chưa. Nếu chứng minh được các cơ sở trên chưa được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc thì có thể khẳng định, hành vi quảng cáo “ba đời nhà tôi…” là hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, không ít những người tự nhận là lương y có chuyên môn cũng được thuê về để quảng cáo cho những sản phẩm này. Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009: Lương y là người có hiểu biết về lý luận y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y dược học cổ truyền có dùng thuốc hoặc không dùng thuốc được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội đông y trung ương hoặc Hội đông y cấp tỉnh.

Do đó, với trình độ chuyên môn của mình, ắt hẳn các chuyên gia này phải nắm rõ việc một sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, công dụng có thể gây nguy hiểm thế nào tới sức khỏe con người. Thế nhưng, vì lợi ích cá nhân, vì sự hấp dẫn của đồng tiền, họ lại dùng cái mác lương y của mình để quảng cáo cho những sản phẩm thuốc mà bản thân họ chưa từng tìm hiểu qua. Đây cũng là một hành vi bị cấm quy định tại Khoản 7 Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh: “Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh”.

Ngay tại Khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định về việc cấm “quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”

Như vậy, đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về quảng cáo thuốc có thể bị xử phạt lên tới 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính là phạt tiền thì các doanh nghiệp cũng như cá nhân có hành vi vi phạm về quảng cáo thuốc không đúng quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về hành vi quảng cáo gian dối; Điều 198 về lừa dối khách hàng. Hình phạt cao nhất có thể lên đến 05 năm; hình phạt bổ sung có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trước sự xuất hiện tràn lan của quảng cáo “nhà tôi ba đời” trên mạng xã hội hiện nay, khi mà cơ quan chức năng chưa vào cuộc thì bản thân người tiêu dùng cần phải có nhận thức đúng đắn về các sản phẩm này để từ đó có thể tự bảo vệ bản thân, tránh khỏi những tác hại khôn lường mà các sản phẩm thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc này có thể gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng cáo “nhà tôi ba đời bán thuốc” có vi phạm pháp luật?