Quản lý, sử dụng ODA: Công khai, minh bạch để giảm tham nhũng

Đỗ Huyền| 23/01/2015 08:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị cấp cao “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam” mới đây, chuyên gia của WB chỉ ra những rủi ro mà VN cần phải đề phòng, những hành vi gian lận và tham nhũng có thể xuất hiện dưới nhiều dạng trong các dự án sử dụng vốn ODA.

Hội nghị do Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

80 tỷ USD và 3 vụ án

Tại Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, cộng đồng nhà tài trợ quốc tế đã dành cho Việt Nam nhiều khoản vay, sự hỗ trợ và phần lớn các dự án đều góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, WB đã dành cho Việt Nam hơn 4 tỷ USD trong vòng 3 năm qua, cho thấy sự quan tâm liên tục của tổ chức này đối với Việt Nam.

Trong quá trình phát triển và hội nhập, Việt Nam cũng đứng trước một số thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề tham nhũng. Vấn nạn lớn này gây tác hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế và làm mất lòng tin xã hội.

Chuyên gia của WB chỉ ra những rủi ro mà Việt Nam cần phải đề phòng nhất, đó là gian lận hồ sơ dự thầu, thông đồng, sử dụng đại lý, tham nhũng và mâu thuẫn lợi ích. Những hành vi gian lận và tham nhũng có thể xuất hiện dưới nhiều dạng và có thể xảy ra trong giai đoạn đấu thầu, giai đoạn thực thi hợp đồng dự án.

“Văn phòng WB tại Việt Nam từ lâu đã quan ngại số lượng đơn khiếu nại và viện dẫn liên quan đến danh mục đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi đã đi tiên phong trong việc giữ cho các dự án của WB không có vấn đề tham nhũng” - ông Adu Gyamfi Abunyewa, chuyên gia đấu thầu cao cấp của WB phát biểu.

Thời gian qua, thể chế hóa quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, khuôn khổ pháp luật về phòng chống tham nhũng của Việt Nam đã có những tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, những biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án ODA vẫn đang là một thực trạng đáng lo ngại đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như đối với các nhà tài trợ. Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, trong gần 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã nhận được nguồn hỗ trợ ODA khoảng 80 tỷ USD, tuy nhiên trên thực tế những vụ việc tham nhũng, gian lận được phát hiện và xử lý trong thời gian qua chưa tương xứng với những đánh giá về mức độ rủi ro trong lĩnh vực này.

Quản lý, sử dụng ODA: Công khai, minh bạch để giảm tham nhũng

Khánh thành cầu Nhật Tân

Cho đến nay, những vụ việc có tính điển hình liên quan tới các dự án ODA không nhiều, có thể kể tới vụ án tại Ban Quản lý các dự án (PMU18) thuộc Bộ Giao thông Vận tải từ năm 2005, vụ nhận hối lộ tại Dự án Đại lộ Đông - Tây (PCI) năm 2008 và gần đây nhất là nghi án hối lộ tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) hiện đang trong quá trình điều tra làm rõ.

“Điều cần lưu ý là trong cả 3 vụ việc điển hình nêu trên, những nghi vấn tham nhũng, sai phạm không phải do chủ đầu tư hay các cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý nguồn vốn ODA phát hiện mà do báo chí nước ngoài đưa tin (vụ việc PCI và JTC) hay vụ án PMU18 được cơ quan điều tra phát hiện từ một vụ án khác (cá độ bóng đá)”… - ông Lượng lưu ý.

Cần thay đổi nhận thức về ODA

Chưa có một tổng kết đánh giá về các gian lận, tham nhũng thông qua giám sát, thanh tra, kiểm toán trong quá trình thực hiện các dự án ODA, tuy nhiên, từ báo cáo kết quả hoạt động 10 năm của Thanh tra Bộ KH&ĐT - cơ quan đầu mối của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA có thể thấy việc phát hiện gian lận, tham nhũng trong lĩnh vực này vẫn là thách thức.

Ngoài sự phức tạp về kỹ thuật và quy mô vốn lớn là những đặc điểm chung của các dự án đầu tư hạ tầng, một trong những nguyên nhân của hạn chế trong hoạt động chống gian lận, tham nhũng tại các dự án ODA được chỉ ra là hạn chế về nhận thức. Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, trên thực tế, phần lớn ODA là tiền đi vay (có yếu tố nước ngoài) mà Việt Nam phải hoàn trả trong tương lai, Chính phủ cũng đã quy định chính sách quản lý ODA như đối với nguồn tiền từ ngân sách nhà nước (NSNN), tuy nhiên trên thực tế còn tâm lý coi tất cả các khoản ODA như viện trợ không hoàn lại, vì thế các địa phương, các bộ, ngành thường đặt mục tiêu được phê duyệt ODA là ưu tiên cao nhất mà chưa chú trọng đến yêu cầu phải sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.

Từ nhận thức đó dẫn tới quan điểm chỉ đạo của một số người đứng đầu địa phương hay bộ, ngành trong đấu tranh chống gian lận, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý sử dụng ODA, đó có thể là tâm lý hữu khuynh, lo ngại rằng khi những sai phạm bị phát hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao và chính sách hợp tác phát triển ở cấp quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ.

Đúc rút bài học kinh nghiệm quốc tế

Bà Victoria Kwakwa khẳng định: WB đặc biệt quan tâm đến nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động quản trị, nhất là đối với những dự án sự dụng nguồn vốn công hoặc ODA, từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các loại hình DN tham gia phát triển kinh tế. Việc chủ động hợp tác, đúc rút bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong phòng chống và đẩy lùi tham nhũng là hết sức cần thiết.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những kinh nghiệm của WB và các quốc gia trong việc phòng chống tham nhũng, gian lận, tăng cường minh bạch.  Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện quá trình cải cách để tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

“Cần tiếp tục tăng cường thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ODA, từ khâu thẩm định, phê duyệt danh mục đầu tư, tới hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm. Đặc biệt, cần khuyến khích sự tham gia giám sát của xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông đối với các dự án đầu tư công nói chung và sử dụng nguồn vốn ODA nói riêng”, ông Trần Đức Lượng đề xuất.

Chia sẻ với  những thách thức phải đối mặt trong phòng chống gian lận và tham nhũng của Chính phủ Việt Nam, bà Conchita Carpio Morales, Phòng Thanh tra, Cộng hòa Philippine cho rằng, phòng ngừa tham nhũng nên được xem trọng như trừng phạt tham nhũng. Mặt khác, theo bà, một ưu tiên cần được xem xét là về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, phát hiện và thu hồi của cải bị lấy cắp hoặc làm giàu trái phép. Bởi một khi các cán bộ tham nhũng đã có được quyền tiếp cận tới nguồn của cải ăn cắp này họ sẽ tiếp tục sử dụng những công cụ tốt nhất có thể để thực hiện các hoạt động bất chính của họ.

“Tham nhũng không có chỗ trong xã hội của chúng ta, và nhiệm vụ của chúng ta là chiến đấu chống lại nó với bất kỳ giá nào”, bà Conchita Carpio Morales nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, sử dụng ODA: Công khai, minh bạch để giảm tham nhũng