Quan hệ Việt - Mỹ đang bước vào một thời kỳ mới

Minh Lý| 10/07/2015 07:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tạp chí “Political Events” ra ngày 9/7 đã đăng bài biết của ông Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu quốc tế Vivekananda (VIF), có trụ sở tại New Delhi, với tiêu đề “Quan hệ Việt - Mỹ đang bước vào một thời kỳ mới".

Sau 20 năm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, mở ra một thời kỳ phát triển và quan hệ hữu nghị.

Quan hệ giữa hai nước đạt được đà phát triển mạnh hơn vào năm 2013, khi Mỹ và Việt Nam tuyên bố thiết lập Đối tác toàn diện, theo đó đưa quan hệ Mỹ-Việt lên một mức cao mới.

Quan hệ Việt - Mỹ đang bước vào một thời kỳ mới

Tổng  thống Hoa Kỳ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh : TTXVN

Sau đó, ngày 5/5/2014, một hiệp định hợp tác về năng lượng hạt nhân dân sự song phương được ký kết, thể hiện sự tin tưởng lớn của Mỹ đối với Việt Nam, nước hiện đang trên con đường cải cách.

Tất nhiên, các công ty Mỹ được hưởng lợi ích lớn từ việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân tại Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam là một trong số ít thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia tiến trình thương lượng Hiệp định tư do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), do Mỹ khởi xướng. TPP được coi là trụ cột kinh tế của chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Washington.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam đạt 34 tỷ USD trong năm 2014, tăng gấp nhiều lần so với con số 220 triệu USD năm 1994, thể hiện sự tiến bộ lớn trong các mối quan hệ kinh tế đang ngày càng phát triển.

Thực tế, Việt Nam đã trở thành nơi cung cấp quần áo và một số đồ gia dụng lớn thứ hai cho Mỹ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vượt xuất khẩu của Việt Nam tới Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2014, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đứng đầu của nước này.

Sự chuyển đổi sang hệ thống kinh tế theo khuynh hướng thị trường trong cuối những năm 80 của thế kỷ 20 và duy trì được đà tăng trưởng kinh tế sau đó đã giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại với Mỹ, với giá trị xuất siêu khoảng 19 tỷ USD năm 2013 và dự kiến đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm 2014. Việt Nam đã trở thành điểm thu hút đối với đầu tư của Mỹ.

Hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Việt Nam và Mỹ, vốn đã từng bước phát triển, có thể sẽ được đẩy mạnh hơn nữa với việc Mỹ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới Việt Nam cuối tháng 5/2015 được coi là bước đi nhằm tăng cường hợp tác quân sự. Như một bước đi đầu tiên nhằm đẩy mạnh mối quan hệ này, Mỹ đã đồng ý cung cấp 18 triệu USD để Việt Nam mua tàu tuần tra cho lực lượng Bảo vệ bờ biển tăng cường an ninh hàng hải.

Đáng chú ý, Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ đã được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ký trong chuyến thăm của Bộ trưởng Carter. Tuyên bố này bổ sung cho Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng đã ký năm 2011 và do đó, sẽ đưa quan hệ quốc phòng giữa hai nước lên mức cao mới.

Về quan hệ chính trị, tần số các cuộc trao đổi chính trị cấp cao giữa hai nước đã tăng lên kể từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton cuối năm 2000.

Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã thăm Mỹ trong tháng 6/2005; sau đó các cuộc trao đổi về ngoại giao và chính trị đã theo đà đi lên. Song sự kiện đánh dấu bắt đầu một thời kỳ mới trong quan hệ song phương Mỹ-Việt là chuyến thăm của Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện chặng đường mà hai nước đã phải trải qua nhiều năm để thúc đẩy mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, bất chấp sự khác biệt về chế độ chính trị.

Tuy nhiên, để quan hệ Mỹ-Việt bước vào một thời kỳ mới, bắt buộc hai bên phải tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, với mục tiêu cụ thể là hoàn tất tiến trình thương lượng về TPP. Một điều có ý nghĩa quan trọng nữa là Mỹ cần trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Hai bên tăng cường quan hệ và triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được trong 9 lĩnh vực ưu tiên gồm chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, giáo dục và giao lưu nhân dân.

Về hợp tác đa phương, hai bên cùng chia sẻ mối quan tâm chiến lược trong thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN và tăng cường vai trò trọng tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực.

Cả hai nước cùng chia sẻ những quan điểm tương đồng về hợp tác an ninh và kinh tế khu vực, đồng thời tiếp tục phối hợp trong các diễn đàn khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Nói chung, năm 2015 được dự đoán là năm bước ngoặt trong phát triển quan hệ kinh tế, chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam. Mối quan hệ này sẽ bước vào một thời kỳ mới với chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tăng cường quan hệ song phương Việt-Mỹ được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh trong khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Việt - Mỹ đang bước vào một thời kỳ mới