Quái vật tàng hình, tàu khu trục hiện đại nhất của Mỹ USS Zumwalt mới bắt đầu chạy thử trên biển lần đầu tiên, hôm 7/12.
USS Zumwalt là tàu khu trục tên lửa lớn nhất, đắt tiền nhất của Mỹ
Theo tin từ Spunik, ngày 7/12, chiếc tàu khu trục tên lửa lớn nhất, đắt tiền nhất của Mỹ, USS Zumwalt đã rời xưởng Bath Iron Works, gần sông Kennebec và được lai dắt ra biển thử nghiệm các hệ thống công nghệ quan trọng lần đầu tiên.
Theo bà Thurraya Kent, đại diện hải quân Mỹ, trong vài ngày tới, hải quân sẽ thử nghiệm các hệ thống và công nghệ chủ chốt của USS Zumwalt. “Chúng tôi đang thực hiện một chương trình thử nghiệm cực kì khắt khe nhằm tìm ra các vấn đề và nguy hiểm có thể gặp phải”, bà Kent nói.
Khu trục hạm Zumwalt được thiết kế nhằm thay thế các tàu khu trục lớp Arleigh-Burke hiện tại của Hải quân Mỹ.
Theo Ron O’Rourke, chuyên gia hàng hải thuộc Cơ quan nghiên cứu chính sách Quốc hội Mỹ, những cải tiến về công nghệ của tàu Zumwalt sẽ rất cần thiết cho nhu cầu tương lai của hải quân.
Khu trục tàng hình USS Zumwalt được lai dắt trên sông Kennebeck ra biển thử nghiệm lần đầu tiên
Đây là chiếc tàu khu trục tên lửa có hình dáng khá đặc biệt. Với thiết kế hình tháp, Zumwalt dài 186 m, nơi rộng nhất khoảng 24,5 m, độ choán nước 15.610 tấn, tốc độ 55,56 km/giờ. Tuy nhiên, với thiết kế góc cạnh, nên trông Zumwalt khá gon gàng.
Tàu được trang bị vũ khí laze, súng điện từ và một loạt hệ thống ăng-ten hiện đại. Hệ thống này được phát triển để đối đầu với công nghệ của Nga và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Zumwalt ứng dụng công nghệ tàng hình hiện đại, giảm tối đa diện tích phản xạ, giúp tàu tránh hiệu quả bị radar đối phương phát hiện.
Tàu có thể chứa 148 thủy thủ đoàn và chở theo 2 trực thăng MH-60R Sea Hawk hoặc một trực thăng MH-60R Sea Hawk và 3 trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.
Về vũ khí, Zumwalt được trang bị 2 hệ thống pháo điện từ AGS 155mm, 2 pháo cận chiến tốc độ cao 30 mm. Hệ thống này có thể bắn đạn có điều khiển tầm xa LRLAP, với cơ số đạn lên tới 750 viên, tầm bắn đạt 154km. Bệ pháo này còn có thể phóng tên lửa dẫn đường bằng máy tính, tiêu diệt được mục tiêu cách 101 km, gấp 3 lần tầm bắn của các loại pháo hạm hiện tại.
USS Zumwalt có thể hoạt động ở vùng biển nông để hỗ trợ lực lượng mặt đất.
Với chi phí lắp ráp lên tới 4,3 tỷ đô, vượt xa mức ngân sách cho phép nên Mỹ quyết định chỉ sản xuất 3 chiếc USS Zumwalt, với tổng chi phí khoảng 12,3 tỉ đô, tăng 37% so với mức 8,9 tỉ đô đề ra ban đầu.